Trải nghiệm làm gốm truyền thống ở Mường Chanh

Ngày nay, do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhiều trẻ em bị cuốn hút bởi các thiết bị hiện đại như Smart phone, Ipad, Laptop, nhất là trẻ em ở nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, ít có các khu vui chơi... Vì vậy, việc tích cực đưa trẻ tham gia trải nghiệm thực tế được nhiều phụ huynh lựa chọn, mang đến cho các con kiến thức thực tế ý nghĩa. Cơ sở làm gốm của gia đình ông Hoàng Văn Nam, bản Nong Ten tại xã Mường Chanh (Mai Sơn) là địa chỉ lý tưởng được nhiều phụ huynh lựa chọn đưa con em đến trải nghiệm, khám phá.

Cơ sở làm gốm của gia đình ông Hoàng Văn Nam, bản Nong Ten tại xã Mường Chanh (Mai Sơn).

Các sản phẩm gốm đều được làm thủ công nhưng rất tinh xảo.

Xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn được coi là trung tâm gốm cổ của dân tộc Thái Đen của tỉnh Sơn La. Dịp cuối tuần, tại cơ sở làm gốm của gia đình ông Hoàng Văn Nam, bản Nong Ten có nhiều "khách nhí" đến trải nghiệm nghệ thuật làm gốm cổ truyền.

Các em nhỏ thích thú với các con giống được làm từ đất sét.

Giới thiệu với du khách về nghề gốm ở Mường Chanh, bà Vì Thị Lanh, (vợ ông Hoàng) nói: Mường Chanh có loại đất sét pha cao lanh có chất lượng tốt. Vì thế trước đây, nghề gốm khá phát triển, lúc nông nhàn, hầu như gia đình nào cũng làm gốm, sản phẩm làm ra đem trao đổi nông sản. Thời điểm hưng thịnh nhất của nghề gốm Mường Chanh vào các năm 1979-1985, khi gốm Mường Chanh có mặt ở khắp các huyện, thị trong tỉnh và một số địa phương của tỉnh Lai Châu.

Nghệ nhân Vì Thị Lanh giới thiệu các vật dụng gia đình được làm từ gốm 

Nên duyên với nghề gốm từ năm 1977, gia đình ông Nam, bà Lanh chủ yếu làm các sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời sống như chum, vại, hũ, lọ... được dùng với rất nhiều công dụng: đựng nước, ngâm chàm nhuộm vải, đựng muối, mỡ, mắm cá, muối dưa cà rất thơm ngon, dùng chứa hạt giống, đựng thóc, sắn, thức ăn và làm công cụ chăn nuôi gia cầm và các loại con giống làm đồ chơi cho trẻ em. Gốm Mường Chanh thuộc loại gốm trơn, có ưu điểm khó vỡ, ít rò rỉ và được dùng để ủ rượu, làm mắm, đựng măng chua có vị thơm ngon đặc biệt, để lâu không bị váng.

Nghệ nhân Vì Thị Lanh hướng dẫn khách công đoạn đập đất.

Phấn khởi trước đam mê trải nghiệm của các bạn trẻ, hai ông bà tận tình hướng dẫn "khách nhí" các thao tác cơ bản để làm nên một sản phẩm gốm:  từ làm đất, tạo khuôn đáy, dựng thành, chuốt miệng rồi mới trang trí hoa văn... Các bạn trẻ thích thú, say sưa thực hiện các thao tác, kỹ năng mà ông bà truyền dạy.

Các nghệ nhân hướng dẫn tạo hình sản phẩm.

Các bạn trẻ chăm chú quan sát nghệ nhân tạo hình sản phẩm 

Từ đất sét, dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã tạo nên rất nhiều sản phẩm gốm độc đáo.

Điều đặc biệt là chỉ với những dụng cụ đơn giản, các nghệ nhân đã tạo ra những hình gốm, như: bàn xoay, chậu đựng nước, chậu đựng tro bếp, rìu tre cắt đất, vải nhúng nước, lược gọt đất, dây cắt đất, dùi lỗ bằng tre, kiếm tre cắt đất… Tên một số dụng cụ đặc biệt: Thứ để miết là “vi kiêng” (các mảnh gỗ hình bán nguyệt, hình liềm); “vi cho” – mảnh gỗ hình rìu, có vai; dụng cụ để cắt và khắc là cái “đát” – que bằng tre, nứa cắt vát sắc, đầu nhọn (trong tiếng Thái, “vi” là tay, tên gọi có gắn chữ “vi” chỉ các dụng cụ làm tay). Dụng cụ để cắt và khắc là “mạy láp” – que bằng tre hoặc nứa vát sắc, một đầu nhọn, đầu kia bằng hoặc có răng cưa.

Dụng cụ để tạo hình gốm rất thô sơ, đơn giản gần gũi với cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng, tổ 4, phường Tô Hiệu (Thành phố) cho biết: Biết về mô hình trải nghiệm làm gốm truyền thống ở xã Mường Chanh, nhân dịp nghỉ cuối tuần, tôi đã đưa các con đến đây để được học hỏi thêm kiến thức nghề làm gốm, tránh xa các thiết bị điện tử như ti vi, smartphone...

Cháu Tạ Bảo Quyên, con gái chị Phượng, hào hứng: Hôm nay con được mẹ đưa đến học làm gốm, con rất thích, con thấy rằng để làm ra sản phẩm gốm phải qua rất nhiều công đoạn, rất khó, mất nhiều công sức. Được ông bà hướng dẫn, con đã tự tay làm ra chiếc bát ăn hằng ngày của mình. Con mong sẽ có nhiều lần được đến đây để có thể làm ra nhiều sản phẩm hơn nữa.

Ngay cả người lớn cũng rất thích thú trải nghiệm.

Các em nhỏ tự tay làm chiếc bát gốm.

Và trang trí theo ý thích.

Từ năm 2020 đến nay, mô hình trải nghiệm nghề gốm cổ truyền thu hút hơn 50 đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh, doanh thu bán sản phẩm tăng gấp 2 lần so với những năm trước. Ngoài ra, mỗi đoàn thăm quan, gia đình ông bà Hoàng Văn Nam thu phí dịch vụ từ 200.000- 400.000 đồng, giúp ông bà duy trì niềm đam mê với nghề.

Sản phẩm của du khách làm xong sẽ được phơi khô chờ nung.

Ông Cầm Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh cho biết: Trong những năm gần đây, sản phẩm gốm trên thị trường ngày càng phong phú, giá rẻ; việc sản xuất gốm Mường Chanh gặp rất nhiều khó khăn về củi đốt, sản phẩm đơn điệu... Vì vậy, nghề gốm truyền thống ở Mường Chanh rất cần được giữ gìn và bảo tồn. UBND xã đã xây dựng kế hoạch, thực hiện điểm mô hình về du lịch trải nghiệm nghề làm gốm truyền thống tại xã. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện quảng bá, tuyên truyền cho nhiều người biết về mô hình này.

Sản phẩm sau khi hoàn thành được khách hàng trong và ngoài tỉnh đến tận nơi thu mua.

Tác phẩm của các khách nhí khi đến trải nghiệm làm gốm.

Thủy Tiên - Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới