Trên địa bàn huyện Thuận Châu hiện có 6 di tích được xếp hạng. Trong đó có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là Di tích Kỳ đài Thuận Châu ở phố 7-5, tiểu khu 2, thị trấn Thuận Châu, di tích Tháp Mường Bám ở bản Lào, xã Mường Bám; 4 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là di tích khu căn cứ kháng chiến xã Long Hẹ, di tích Mái đá bản Mòn, di tích cầu Nà Hày và di tích Khu tự trị Thái Mèo.
Di tích Mái đá bản Mòn, xã Thôm Mòn đang được tu bổ tôn tạo.
Những năm qua, huyện Thuận Châu đã có nhiều cố gắng trong bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Để bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, hằng năm, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các xã trực tiếp quản lý các di tích trên địa bàn đã được xếp hạng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện quản lý, khoanh vùng bảo vệ di tích. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, gắn với việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; huy động các nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện xây dựng chuyên mục giới thiệu giá trị về lịch sử, kiến trúc của các di tích lịch sử văn hóa. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong huyện triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường trong huyện tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu ý nghĩa, của các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng của quê hương. Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn trong huyện đảm nhận chăm sóc, bảo vệ, trồng cây xanh tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử được huyện quan tâm đẩy mạnh, tháng 6/2017, Bảo tàng Sơn La và huyện Thuận Châu đã phối hợp triển khai việc bảo tồn, tôn tạo di chỉ Mái đá Bản Mòn, xã Thôm Mòn, di chỉ được phát hiện và khai quật năm 1927, đây là di chỉ khảo cổ được phát hiện sớm nhất của khu vực Tây Bắc. Bên cạnh giá trị khảo cổ học, di chỉ còn mang ý nghĩa lịch sử to lớn, bởi đây là địa điểm tập kết lương thực, thực phẩm và là nơi sơ tán bí mật các cơ quan của huyện trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện, di chỉ đang được tôn tạo lại gồm các hạng mục: miếu thờ cúng, sân bê tông, rãnh thoát nước và kè đá xung quanh với tổng diện tích 1.280 m2, kinh phí đầu tư 1 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, di tích Tháp Mường Bám cũng đã được đưa vào kế hoạch đầu tư, tôn tạo năm 2018. Được biết, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đang phối hợp với Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử Đèo Pha Đin được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Tuy nhiên, trải qua thời gian với sự tác động của thời tiết và con người, hiện nay, nhiều di tích đã bị xuống cấp, như di tích Cầu Nà Hày, bản Nà Hày, xã Thôm Mòn, tuy bề mặt cầu, rầm cầu vẫn giữ nguyên hiện trạng nhưng thành cầu đang bị phong hóa, mục nát sắt trên lan can cầu; các di tích khác như di tích Khu tự trị Thái Mèo chưa được khoanh vùng và cắm mốc di tích.
Trước thực trạng xuống cấp cũng như còn nhiều bất cập, hạn chế trong việc phát huy tác dụng của các di tích, góp phần nâng cao giá trị của du lịch địa phương, thiết nghĩ, trong thời gian tới, huyện Thuận Châu cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước từ huyện đến cơ sở; xây dựng quy chế quản lý đối với các di tích phân cấp cho xã, nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng trong công tác bảo vệ di tích lịch sử, tiếp tục quy hoạch phân vùng bảo vệ, chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ tư liệu lịch sử để bảo vệ, hạn chế sự xâm lấn, biến dạng; tiến hành kiểm kê, đánh giá tình trạng xuống cấp của từng loại di tích để có phương án sửa chữa, trùng tu, tôn tạo. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước tu bổ di tích. Đồng thời, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức xã hội về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn .
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!