Kỷ niệm 60 năm kết nghĩa “Hà Nội – Huế - Sài Gòn” và 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, nhìn lại mối quan hệ tự nhiên và những chủ trương chính sách, những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, những hành trang vốn liếng quý báu cũng như những vấp ngã, hạn chế, yếu kém của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử, ai cũng có thể tự hào và đặt niềm tin, khát vọng về sự phát triển nhanh, bền vững của hai cực phát triển, hai đô thị đặc biệt trong tương lai, góp phần quyết định đưa đất nước ta trở thành “nước phát triển, hiện đại”.
Hoàng thành Thăng Long |
Hai cực phát triển xuyên suốt lịch sử Việt Nam
Hà Nội – trái tim của Tổ quốc, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước vốn đã được tạo lập qua hàng ngàn năm lịch sử. Từ thuở Âu Lạc – An Dương Vương với Kinh đô Cổ Loa từ trước Công Nguyên đến nước Vạn Xuân với vùng đô thị cửa sông Tô Lịch, rồi Tống Bình thế kỷ VII-VIII, La Thành – Đại La thế kỷ VIII – IX … Đặc biệt sau khi giành được hoàn toàn chủ quyền đất nước một thời gian ngắn, năm 1010 Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long “nơi Trung tâm của trời đất, nơi có thế rồng cuộn hổ ngồi, chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”, mở đầu cho thời kỳ phát triển bền vững của đất nước Đại Nam độc lập, xây nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ.
Sau những biến động của lịch sử, từ Thăng Long thành Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh hay Bắc Thành …, rồi năm 1902, Hà Nội trở thành “Thủ đô” của toàn Liên Bang Đông Dương thuộc địa. Khi cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, Hà Nội trở thành thủ đô của nhà nước độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ đó được hiến định bởi Hiến pháp 1946, luôn là “niềm tin và hy vọng” của cả dân tộc Việt Nam thống nhất.
So với Hà Nội và một số đô thị khác ở nước ta, Sài Gòn – Gia Định được hình thành muộn hơn. Sài Gòn được hình thành là mốc son khẳng định sự hoàn thành công cuộc mở mang bờ cõi – sự nghiệp lớn nhất của một quốc gia – dân tộc. Trên cơ sở những thành quả của khai hoang lập ấp gian khổ nhọc nhằn của hàng vạn con người có khí phách dũng cảm mở đường, năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược, đã lập ra dinh Phiên Trấn, đặt cơ sở hành chính đầu tiên vùng Sài Gòn – Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, vùng đất này thu hút nhiều tầng lớp cư dân mọi miền đất nước và nhanh chóng trở thành trung tâm của cả vùng đất phương Nam đất Việt. Sài Gòn trở thành trung tâm thương mại, đặc biệt là thị trường lúa gạo của quốc tế.
Vườn hoa Lý Thái Tổ là nơi sẽ diễn ra trọng thể Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. (Ảnh: L.Q.V ) |
Mốc thời gian mở đầu lịch sử qui hoạch và phát triển đô thị Sài Gòn là năm 1772 bằng chủ trương thực hiện các công trình đô thị như Kinh Ruột Ngựa, kinh An Thông, đắp Lũy Bán Bích rồi xây thành Gia Định theo hình bát quái (Thành Qui). Đặc biệt sau khi xâm lược Sài Gòn, năm 1862 bản đồ qui hoạch Sài Gòn – Chợ Lớn đầu tiên được ấn định bởi đại tá công binh người Pháp Coffyn. Theo đó, các công trình theo mô hình đô thị phương Tây dần dần xuất hiện như đường sắt, tàu điện, thư viện, Tòa Đô chính, dinh Nôrôđôm, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà Hát, Dinh Gia Long, chợ Bến Thành, các trường học Marie Curie, S.Laubat, các bến xe liên vùng…, tiệm ăn, rạp xi nê, khu vui chơi giải trí với đường sá rộng rãi nhiều cây xanh mang tên Tây như Charner, Bonard, Catinat,… Sài Gòn – Chợ Lớn thực sự trở thành một đô thị hiện đại nhất bấy giờ và được gọi là “hòn ngọc viễn đông”.
Như vậy, dù ra đời chậm hơn, song do những điều kiện về địa lý và lịch sử, Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định đã được đô thị hóa nhanh chóng. Xưa kia, Sài Gòn được tôn danh là “hòn ngọc viễn đông”, ngày nay Thành phố Hồ Chí Minh cùng Hà Nội là “đô thị đặc biệt” của Việt Nam, có quy mô phát triển lớn nhất nước, có vị trí chính trị quan trọng, là trung tâm lớn vì kinh tế, văn hóa, đầu mối giao lưu quốc tế, cửa ngõ thông nối Việt Nam với Đông – Nam – Tây – Bắc thế giới trong thời kì toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Mối quan hệ, tương tác giữa hai cực phát triển
Thăng Long – Hà Nội, “nơi trung tâm của trời đất…, kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Người Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, con cháu của những lưu dân người Việt vào khai phá vùng đất phương Nam qua bao đời vẫn trọn lòng nhớ về cội nguồn đất tổ, nơi “hồn thiêng núi sông” thuở mở nước của con cháu Lạc Hồng: “Từ độ mang gươm đi mở cõi /Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Thăng Long – Hà Nội đi vào tâm thức người Sài Gòn – Nam bộ qua “Dấu chân xưa mà hồn thu thảo” của Bà Huyện Thanh Quan đến “Trùng trùng say trong câu hát/ Lớp lớp đoàn quân tiến về” của Nguyễn Đình Thi cho nên “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác/Bỗng thấy trong sương hàng tre bát ngát” của nhà thơ gạo cội đất Củ Chi Viễn Phương, nói lên tình cảm sâu thẳm vừa bao la vừa nồng cháy của người Sài Gòn, của dân phương Nam đất Việt.
Sự hình thành và phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền máu thịt với lịch sử và vận mệnh của cả nước. Từ những nhát cuốc đầu tiên đến những năm tháng hào hùng chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc và thống nhất, xây dựng cuộc sống ngày nay, bao giờ thành phố cũng là nơi hội tụ công sức, tài năng và tâm huyết của cả nước mà Hà Nội là trái tim, là trung tâm đầu não.
Nhân dân Sài Gòn - Gia Định đón bộ đội giải phóng tháng 4-1975. (Ảnh tư liệu) |
Từ thời kỳ tạo dựng đến suốt tiến trình lịch sử phát triển, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh luôn có sự đóng góp của Hà Nội mà đến nay sử kiện, sử nhân còn lưu lại khá rõ ràng, cụ thể. Với tâm thức và khí khái của những người con Bắc Hà “Làm trai cho đáng nên trai/Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng” họ đã đến vùng đất mới để xứng đáng với trách nhiệm của một người dân nước Việt thống nhất, phản ánh sự gắn bó hữu cơ máu thịt với toàn bộ giang sơn đất nước Việt Nam. Xa cách vài ngày dặm, song từ thuở ban đầu Long Thành và Phụng Thành cũng một ý tưởng tâm thức về nguồn cội chung. Nguyễn Khắc Trạch (1797-1884) đỗ cử nhân 1825, đã vào làm bố chính Gia Định, rồi làm trực học sĩ, trí sĩ, mà sách vở còn ghi “Trạch đi đến đâu cũng thích khuyến dạy các sĩ tử. Các học trò vào bậc nào thành đạt bậc nấy, học tập thường đến vài trăm người.” (Đại Nam chính biên liệt truyện). Đỗ Quang (1807-1866) người Hải Dương, đỗ tiến sĩ 1832, sau một thời gian được bổ nhiệm tuần phủ Gia Định. Khi Pháp xâm lược Gia Định, ông đã dốc toàn bộ binh lực cùng Nguyễn Tri Phương chống giặc, sau đó cùng Trương Định đánh địch suốt nhiều năm. Nguyễn Tư Giản (1823 -1890) người Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội đỗ nhị giáp tiến sĩ 1844, khi làm quan ông đã xin vua Tự Đức tu chỉnh quân đội, và dùng vũ lực để “đòi đất” chứ không thể xin “chuộc đất” từ quân xâm lược. Ông canh cánh nhớ tới Sài Gòn – Gia Định, luôn nung nấu một hoài bão thu hồi giang sơn về một mối. Ông trân trọng các nho sĩ Nam bộ kháng chiến như Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định…, ông mơ tới ngày Hà Nội mừng Sài Gòn ca khúc khải hoàn “Bao giờ Bến Nghé lại trong/ Cho dòng sông Nhị vang lừng khải ca”. Khi Pháp đánh vào Gia Định, học trò Trường Phương Đình (tên hiệu của Nguyễn Văn Siêu) ở Hà Nội đã soạn bài biểu dâng lên vua Tự Đức tình nguyện tòng quân vào Nam đánh giặc, phản ánh tình nghĩa gắn bó Bắc – Nam của đất nước thống nhất, tiêu biểu cho tinh thần “chia lửa” của nhân dân và sĩ phu Hà Nội với Sài Gòn – Gia Định, với miền Nam ruột thịt.
Nhiều sử kiện, sử nhân còn được lưu lại trong sử sách là những bằng chứng lịch sử về sự gắn bó Bắc – Nam nói chung và Thăng Long – Hà Nội với Sài Gòn – Gia Định nói riêng.Tình nghĩa đó ngày càng gắn bó keo sơn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng giành lại độc lập tự do cho dân tộc và xây dựng đất nước ngày nay. Cách đây đúng 60 năm, khi mà cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vào dịp kỷ niệm 950 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, lễ kết nghĩa 3 thành phố lớn Hà Nội – Huế - Sài Gòn đã diễn ra đêm mồng 8 tháng 10 năm 1960 tại Câu lạc bộ Ba Đình ở Thủ đô Hà Nội với khẩu hiệu “Hà Nội – Huế - Sài Gòn là cây một cội, là con một nhà”. Ý nghĩa sâu xa của sự kiện kết nghĩa 3 thành phố trên đây là sự khẳng định đanh thép chân lý ngời sáng “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, Bắc – Nam chung một nhà, mọi người gần xa trên dải đất Việt Nam cùng chung nhịp đập.
Diện mạo của Thủ đô Hà Nội ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn. (Ảnh: Giang Huy) |
Sự gắn bó 3 thành phố anh em đại diện cho ngôi nhà chung Nam – Bắc ngày càng sâu đậm đến nỗi mỗi sự kiện dù nhỏ hay lớn diễn ra ở Hà Nội, ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa đều thâm nhập rất nhanh vào nhân dân miền Nam với hai trung tâm Huế, Sài Gòn và ngược lại. Hà Nội và toàn miền Bắc ai ai cũng thẩm thấu tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” v.v… Thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trên muôn nẻo đường từ Bắc vô Nam ngày đêm rầm rập từng đoàn quân ra trận và cả nước, mọi làng quê, từ già trẻ, gái trai đều “xung trận”, “mỗi người làm việc bằng hai”, “ba sẵn sàng”, “xe chưa qua nhà không tiếc..”. Khi miền Bắc bị ném bom bởi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ở miền Nam đã dấy lên một cao trào “Miền Bắc gọi, miền Nam trả lời”. Trả lời đanh thép nhất, tiêu biểu nhất của quân dân Sài Gòn – Gia Định là trận đánh “vỗ mặt” Đại sứ quán Mỹ. Sau sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” đến đầu năm 1965 Mỹ tuyên bố “Việc mở rộng và gây áp lực với Bắc Việt Nam sẽ không có giới hạn nào cả và Mỹ có thể trực tiếp bước vào cuộc chiến tranh trên bộ nếu cần thiết”. Lập tức Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định chỉ đạo lực lượng biệt động Sài Gòn phải có cú “dằn mặt” bước leo thang của Mỹ, đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của miền Bắc. Biệt động Sài Gòn đã chọn Đại sứ quán Mỹ tại đường Hàm Nghi – nơi hiện thân của sự tàn bạo về chủ trương lẫn hành động của quân xâm lược Mỹ đứng đầu là Maxell Taylor vốn là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ với học thuyết “Phản ứng linh hoạt”. Chính đây là mục tiêu “xứng đáng nhất” được “dằn mặt” khi Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc. Là lực lượng “xuất quỷ nhập thần” đã bao phen làm cho kẻ thù khiếp sợ với những trận đánh vào quân Mỹ ở cư xá Brink, khách sạn Caravel, Kinh đô…, nhưng trận đánh “cường tập” vào ổ chỉ huy quân xâm lược giữa ban ngày lần này vang dội nhất từ trước đến lúc bấy giờ của Biệt động Sài Gòn. Đó cũng là phương hướng tác chiến táo bạo, hiệu quả được phát huy nhiều trong thời kỳ “chiến tranh cục bộ”, đặc biệt trong Chiến dịch Mậu Thân 1968 với “đòn giáng phủ đầu” vào những mục tiêu đầu não của bộ máy chiến tranh vốn được coi là “bất khả xâm phạm” như Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải Quân ngụy, Đại sứ quan Mỹ … gây nên cú “choáng đột ngột” làm rung động toàn xã hội Mỹ.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, Hà Nội và cả miền Bắc chi viện ngày càng nhiều cho chiến trường miền Nam về người và của, tinh thần và vật chất, chiến công và cả nỗi đau … Ở Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Bến Dược, Củ Chi, Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh, Nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 và ở tất cả mọi nơi không ghi hết tên tuổi của những người con Hà Nội và mọi miền đất nước đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp thống nhất giang sơn, cho Bắc Nam xum họp một nhà. Và, trên mảnh đất, vùng trời Hà Nội và miền Bắc thân yêu cũng đã tạc ghi bao anh hùng, liệt sỹ là những người con Phương Nam đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ Thủ Đô – Trái tim của đất nước, của miền Bắc xã hội chủ nghĩa …
Mối quan hệ máu thịt giữa Bắc – Nam, Hà Nội – Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc bởi hình ảnh Bác Hồ - Vị lãnh tụ tiêu biểu cho tình cảm ruột thịt Bắc – Nam với chân lý ngời sáng “Nước Việt Nam là một; Dân tộc Việt Nam là một”, “Nhân dân Nam – Bắc là con một nhà”… Sài Gòn tiễn Người ra đi tìm đường cứu nước khi giang sơn đất nước đang chìm đắm trong vòng nô lệ thực dân; Hà Nội đón Bác về tuyên bố độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hà Nội có Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt “Chủ tịch Hồ Chí Minh”, có Lăng Bác Hồ, tượng đài vĩnh cửu. Sài Gòn – Gia Định được cả nước phong tặng huân danh “Thành phố Hồ Chí Minh” – Thành phố mang tên người Anh hùng của một dân tộc anh hùng, đỉnh cao văn hóa của một nước văn hiến, độc lập thống nhất. Sức mạnh bất diệt của văn hiến Việt Nam được khẳng định khi công cuộc mở cõi hoàn thành với mốc son Sài Gòn – Gia Định ra đời và chiến thắng vĩ đại nhất trong Thế kỷ XX của dân tộc ta – Đại thắng mùa Xuân 1975. Khởi nguồn của nền văn hiến ấy là từ thuở dựng nước mà Thăng Long là trung tâm lớn nhất. Không có Thăng Long thời xưa thì cũng không có đất nước và Sài Gòn hôm nay. Không có Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh và cuộc chiến đấu trường kỳ giành và giữ độc lập của cả nước thì không thể có được sức mạnh văn hiến Việt Nam thống nhất.
Trong quá trình phát triển, Thăng Long – Hà Nội và Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh có những nét tương đồng, đã làm nên ý chí, sức mạnh dân tộc, phong phú về tâm hồn, văn hóa của Việt Nam. Thăng Long – Hà Nội cũng như Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là công lao của cả nước, của đông đảo nhân dân “bốn phương”, “tứ xứ”. Thăng Long – Hà Nội và Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh đều là nơi hội nhập và lan tỏa, là trung tâm nhiều mặt của đất nước. Thăng Long có 36 phố phường, Sài Gòn là “hòn ngọc viễn đông”, “phố phường đông đúc”. Ngày nay, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai “đô thị đặc biệt”, mối quan hệ giữa hai trung tâm, hai cực phát triển của đất nước ngày càng gắn bó, tương tác, tương tùy mạnh mẽ hơn.
“Cùng cả nước, vì cả nước”, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh “đi trước về đích trước”
Qua hơn 3 thập kỷ thực hiện đường lối Đổi mới, đặc biệt là qua 10 năm thực hiện “Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 2011- 2020” với chủ trương “Phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”, hai trung tâm lớn nhất của cả nước đã giành được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước. Hà Nội là Thủ đô Anh hùng, trái tim của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, có vị trí đặc biệt quan trọng và có trách nhiệm cao cả với vai trò “đầu tàu”, “chia sẻ lợi ích” với cả nước, cần có trình độ phát triển mang tầm khu vực và quốc tế … Thành phố Hồ Chí Minh cùng Hà Nội là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là “đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn, có vai trò đi đầu trong sự nghiệp hóa, hiện đại hóa …, từng bước trở thành trung tâm lớn của khu vực”. Rõ ràng, với vị trí, vai trò trên đây, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhanh và bền vững, hiện đại đất nước.
Năm 2019, quy mô GRDP theo giá hiện hành của Thành phố Hà Nội đạt 971,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,2% GDP cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt 120,1 triệu đồng (tăng 7,9 triệu đồng, tương ứng tăng 7% so với năm 2018) . Quy mô GRDP năm 2019 theo giá hiện hành của Thành phố Hồ Chí Minh là 1.338,179 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,16% GDP cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt 148,1 triệu đồng (tương ứng 6.395 USD) . GDP cả nước năm 2019 theo giá hiện hành là 6.037,348 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người đạt 51,54 triệu đồng/năm . Đến nay (2020), quy mô GRDP của Hà Nội khoảng 1,06 triệu tỷ đồng (chiếm gần 16% GDP cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt 5.424 USD. Tiêu chí đó ở Thành phố Hồ Chí Minh là 1,49 triệu tỷ đồng (khoảng 23% GDP cả nước); Thu nhập bình quân đầu người là 6.799 USD. So với cả nước, khoảng 3.000 USD thì Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã “đi trước”, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển chung của đất nước. Trên cơ sở đó, từ nay đến năm 2030, 2045, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai cực phát triển ở hai đầu đất nước phải “chung lưng đấu cật” tìm ra những giải pháp đột phá mạnh hơn nữa để phát huy những vốn liếng, hành trang, thành tựu đã có, đồng thời giải quyết những bất cập, hạn chế, yếu kém. Diện mạo Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng thay đổi không ngừng, qua mỗi thời gian lại thêm nhiều mảng sáng, mảng xanh, sạch đẹp, tôn thêm dáng vẻ đô thị hiện đại … Song một loạt vấn đề về phát triển và quản lý phát triển đô thị còn là những thách thức gay gắt đối với hai thành phố. Chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, quản lý xử lý ô nhiễm môi trường và ngập úng, ùn tắc giao thông đều là những bất cập, hạn chế, yếu kém kéo dài, rất chậm được khắc phục, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống và niềm tin của nhân dân. Thành phố Hà Nội là một trung tâm văn hóa tiêu biểu cho Việt Nam, là nơi đỉnh cao văn minh của văn hiến Việt Nam, nơi người Tràng An hào hoa, thanh lịch.
TP Hồ Chí Minh hôm nay |
Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm, nơi hội tụ, giao lưu của đất nước và hội nhập về đây, nâng cao hơn, tôn tạo nên một tụ điểm văn minh, rồi từ đó lan tỏa đến các nơi gần xa …, và luôn có đời sống văn hóa hết sức sôi động. Song, những giá trị ấy, không phải là bất biến và thực tế hiện nay cũng có nhiều bất cập, yếu kém … Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có vị thế, tầm vóc như ngày nay là do công lao của cả nước, của bao lớp người, bao thế hệ, bao thời kỳ lịch sử làm nên, là niềm tin và tự hào của dân tộc, của mọi người dân nước Việt. Song vẫn còn đó những tâm tư, trắc ẩn, lo lắng, bất an trong cuộc sống của người dân. Các chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS), hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) ở cả hai thành phố chưa cao, tình trạng khiếu kiện đông người, thậm chí gây mất trật tự ổn định xã hội không ít … Trong 5 năm vừa qua (2015 – 2020), Hà Nội đã thi hành kỷ luật 4.143 đảng viên và 59 tổ chức Đảng, trong đó cách chức 72 đảng viên, khai trừ 361 và cảnh cáo 16 tổ chức Đảng. Cùng thời, Thành phố Hồ Chí Minh cũng kỷ luật 2.081 đảng viên (trong đó có 5 Thành ủy viên), 40 tổ chức đảng … Đặc biệt có những lãnh đạo chủ chốt của 2 Thành phố bị kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự… Đây là kết quả mới trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đồng thời là những tổn thất lớn về cán bộ và uy tín của tổ chức Đảng trong thời kỳ hiện nay, tác động không nhỏ đến tư tưởng, tâm trạng của nhân dân, xã hội. Đó là “điều đau lòng” nhưng “không thể không làm”, bởi đó là sự tối cần thiết của sự phát triển toàn diện, bền vững …
Kỷ niệm 60 năm kết nghĩa “Hà Nội – Huế - Sài Gòn” và 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, nhìn lại mối quan hệ tự nhiên và những chủ trương chính sách, những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, những hành trang vốn liếng quý báu cũng như những vấp ngã, hạn chế, yếu kém của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử, ai cũng có thể tự hào và đặt niềm tin, khát vọng về sự phát triển nhanh, bền vững của hai cực phát triển, hai đô thị đặc biệt trong tương lai, góp phần quyết định đưa đất nước ta trở thành “nước phát triển, hiện đại”./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!