Người làm khèn ở bản Tà Số

Anh Hạng A Cải, dân tộc Mông ở bản Tà Số 1 xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) là tấm gương trong việc giữ gìn, phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông.

 

Anh Cải với những chiếc khèn Mông do chính anh làm ra.

 

Sinh năm 1970, anh Hạng A Cải là một trong số ít người ở bản Tà Số 1 biết thổi khèn Mông. Gắn bó nhiều năm với chiếc khèn, anh biết rõ được từng giai điệu, nhịp điệu của tiếng khèn. Sau những buổi đi làm ruộng, làm nương về, với sở thích và đam mê, anh tự mày mò học tập kinh nghiệm làm khèn. Ban đầu, anh làm khèn chỉ để phục vụ nhu cầu của bản thân, về sau nhiều người biết đã đến đặt mua, anh đã làm ra những chiếc khèn để bán, sau nhiều năm, khèn Mông do anh làm được nhiều người biết đến. Qua câu chuyện với anh Cải, chúng tôi được biết anh biết thổi khèn 20 năm nay, và bắt đầu làm khèn được 3 năm, mỗi cây khèn thường bán với giá 2-2,5 triệu đồng. Để làm ra một cây khèn hoàn chỉnh có âm thanh chuẩn và hình thức đẹp mất nhiều thời gian, nhiều công đoạn, phải có vật liệu như cây trúc, gỗ làm bầu phải bằng gỗ pơ mu hay gỗ thông đá.

Anh Cải cho biết: Do bận việc nương rẫy nên anh chỉ tranh thủ làm khèn vào buổi tối, hoặc khi mùa vụ đã xong, đến nay anh đã bán được gần chục cây khèn với giá 2 triệu đồng một chiếc, giúp anh có thêm thu nhập. Ngoài ra, anh còn biết thổi sáo và làm được nhiều loại sáo có âm thanh, giai điệu khác nhau được nhiều người ưa thích và đặt mua.

Từ bao đời, chiếc khèn đã gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Mông, tiếng khèn mang ý nghĩa tâm linh gắn liền với phong tục truyền thống của người Mông. Tiếng khèn còn thổi để giao duyên, chàng trai Mông thổi khèn để gọi bạn tình ra tâm sự, đi chơi hội, để chứng tỏ tình yêu đôi lứa, tiếng khèn thể hiện tài năng và tình cảm của các chàng trai với người con gái mình thích, còn các cô gái thường nhảy múa bên cạnh để phụ họa.

Hiện nay, anh Cải không những làm khèn, sáo bán mà còn truyền dạy kinh nghiệm cho các thanh niên trong và ngoài bản đến học cách thổi sáo, thổi khèn, làm khèn để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.                   

A Trứ (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới