Người giữ nghề rèn truyền thống ở Kim Bon

Hiện nay, trên các bản vùng cao của huyện Phù Yên, người dân đã đầu tư mua sắm nhiều máy móc, nông cụ hiện đại để phục vụ sản xuất. Bởi vậy, nghề rèn truyền thống đang dần mai một. Dẫu vậy, vẫn còn một số thợ rèn luôn đau đáu nỗi niềm bảo tồn và hồi sinh nghề truyền thống của đồng bào mình. Trong đó có anh Vàng A Nhà, bản Suối On, xã Kim Bon.

 

Anh Vàng A Nhà có nhiều năm gắn bó với nghề rèn truyền thống. Bên bếp lò đỏ lửa, anh thuần thục với công việc rèn, sửa chữa nông cụ cho bà con dân bản. Anh Nhà kể: Hơn 40 năm trước, ở bản Suối On, nhà nào cũng có lò rèn để tự sản xuất nông cụ phục vụ lao động, gia đình tôi cũng không ngoại lệ, cha tôi là thợ rèn nổi tiếng với tay nghề nhất, nhì trong vùng. Ngày còn là thanh niên, tôi đã được bố truyền thụ tất cả những bí quyết trong nghề. 

Anh Vàng A Nhà, bản Suối On, xã Kim Bon (Phù Yên) rèn dao.

Anh Vàng A Nhà có thể rèn được nhiều loại nông cụ, song "nghệ" nhất là rèn dao. Quy trình rèn dao gồm nhiều bước, gồm: Chọn nguyên vật liệu từ nhíp ô tô, xích máy xúc, máy ủi, lưỡi máy cày... đã qua sử dụng, sau đó đem cắt tùy từng loại dao mà cắt kích cỡ phù hợp, rồi đưa vào lò nung; thép được nung kỹ trước khi quai búa để rèn. Nung càng đỏ thì chất thép càng mềm, dễ đánh, không tốn nhiều công sức, tuy nhiên không được nung quá lâu, vì sẽ bị chảy. Đây là công đoạn đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, khả năng quan sát và kinh nghiệm rèn.

Sau khi đã chọn được vật liệu chuẩn sẽ đem cắt trước khi đưa vào lò nung.

Người thợ rèn phải nung và tán liên tục, đều đặn trong quá trình rèn dao

Trong quá trình rèn, người thợ rèn vừa tán vừa ngắm để dao được thẳng, đẹp

Theo anh Nhà, bí quyết tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao, đó là khả năng nhìn màu thép để đưa vào tôi. Bên cạnh đó, để dao đảm bảo độ sắc, độ cứng, khi sử dụng ít bị sứt mẻ hay gãy, thì sau khi đánh xong phải tôi lại bằng thân cây chuối, đây là kinh nghiệm ông cha truyền lại.

Bí quyết khiến dao của đồng bào dân tộc Mông trở nên sắc bén là dùng thân cây chuối để tôi thép.

Thợ rèn sử dụng gỗ dâu làm cán dao để dao nhẹ, đẹp và có độ bền.

Khi con dao thành hình, phần còn lại được tán mỏng rồi tra vào cán gỗ dâu để dao được nhẹ, đẹp và có độ bền. Làm cán xong, chuyển sang công đoạn mài dao. Để mài được lưỡi dao sắc, trước tiên, không mài vào lưỡi ngay mà phải mài từ ngoài bằng đá thô; khi lưỡi mỏng người thợ mới mài phần lưỡi bằng đá mịn. Trong lúc mài, chú ý đổ nước liên tục tránh mài đá khô hay ít nước, vì như vậy lưỡi dao sẽ nóng lên, ảnh hưởng đến độ sắc của lưỡi.

Công đoạn mài dao để có được một lưỡi dao sắc.

 

Mỗi thợ rèn đều có bí quyết riêng để tạo ra được những lưỡi dao đẹp, chất lượng và sắc bén.

Để thuận tiện cho việc mang đi trong lúc lên nương xuống ruộng và bảo vệ lưỡi dao tránh va đập và gây sát thương tới người, anh Nhà thường làm vỏ dao bọc bên ngoài.

 

Vỏ dao bọc bên ngoài.

Đã gắn bó với nghề nhiều năm, những lúc nông nhàn, hay trời mưa, hoặc khi bắt đầu vào mùa vụ, lò rèn của gia đình anh Vàng A Nhà lại nổi lửa. Mỗi ngày anh rèn được 8 con dao, hầu hết được bà con trong xã đến mua với giá trung bình từ 100 - 400 nghìn đồng/chiếc; còn những nông cụ khác khi có người đặt mua anh mới làm.

Dao rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng.

Không chỉ tạo ra những nông cụ thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống, nghề rèn còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của đồng bào Mông. 

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới