Người giữ nghề làm hương ở bản Xà

Men theo tuyến đường nội bản bên dòng suối Tấc, chúng tôi đến gia đình anh Nông Văn Hòa - một trong những hộ gia đình người dân tộc Thái ở bản Xà, xã Huy Hạ (Phù Yên) còn giữ nghề làm hương truyền thống. Từ những thảo mộc tự nhiên cùng phương thức bí quyết gia truyền và đôi bàn tay khéo léo, anh đã tạo nên những nén hương thơm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập trong thời gian nông nhàn và gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc.

Vỏ cây nhớt là nguyên liệu để làm bột hương.

Anh Nông Văn Hòa chia sẻ: Đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Tấc có câu nói “Tay dem ca kha, tay xa ca hường”, ý muốn nói đến nghề làm hương truyền thống ở bản Xà. Khi tôi mới lẫm chẫm biết đi, đã theo ông bà mang hương ra ngoài chợ huyện bán. Lớn hơn, thì giúp làm những công đoạn cần nhiều sức lực, như giã và sàng bột hương. Tôi là đời thứ 3 sống với nghề làm hương truyền thống của gia đình, nay ngót ngét đã hai chục năm.

Công đoạn chẻ chân hương.

Trước đây, các công đoạn làm hương đều hoàn toàn thủ công. Tre để làm chân hương phải lựa chọn những cây to, thẳng, không quá già, hoặc quá non, thường là những cây khoảng một năm tuổi. Tre nguyên liệu được cưa thành từng đoạn dài 30 cm rồi ngâm nước khoảng chục ngày, sau đó, chẻ thành thanh nhỏ, buộc từng bó đem phơi khô để tránh mối mọt.

Chân hương sau khi chẻ được buộc lại từng bó đem phơi khô để tránh mối mọt.

Các loại vỏ cây, lá nguyên liệu được thu hái từ rừng về đem phơi khô, cho vào cối giã bằng tay hoặc dùng sức nước từ các “cọn nước” ở suối Tấc để giã, dùng vải xô để sàng ra lớp bột mịn. Bây giờ, anh Nông Văn Hòa đã đầu tư máy xay nguyên liệu, bột thành phẩm mịn hơn và tốn ít thời gian hơn.

Công đoạn trộn bột hương 

Loại hương truyền thống của gia đình anh Hòa được chế từ các loại thảo dược tự nhiên, như vỏ nhớt, long não, trầm... pha trộn theo tỷ lệ nhất định, tạo ra mùi hương dịu nhẹ, cháy lâu, khói tỏa ra không cay mắt. Anh Hòa bộc bạch: Tôi làm nghề này đã lâu, không chỉ tạo thêm thu nhập mà còn giữ gìn nghề truyền thống của gia đình. Thời gian tới sẽ đầu tư thêm máy chẻ nan tre và máy se hương để cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất lao động.

 

Những chân hương được nhúng vào thùng nước lạnh để chuẩn bị se.

Từ các công đoạn chuẩn bị, những chân hương bằng tre đã xử lý sẽ được nhúng vào thùng nước lạnh, vẩy khẽ cho ráo nước, rồi từ từ đập nhẹ vào đống bột hương. Vừa đập, vừa lật lên, úp xuống, thỉnh thoảng lại vun bột rắc lên chân hương.

Tiếp tục đem nhúng vào thùng nước lạnh và lặp lại chu trình se hương 3-4 lần, lớp áo bột bám vào thanh tre dần dầy lên, tạo nên nén hương tròn, mịn, đẹp, phơi một ngày nắng là có thể dùng được.  

Lớp áo bột dần dầy lên bám vào thanh tre, tạo nên nén hương tròn, mịn, đẹp.

Hương sau khi se xong phơi một ngày nắng là có thể dùng.

Hương thành phẩm được thu lại để đóng gói.

Hiện, gia đình anh Hòa chủ yếu sản xuất hương chân trắng, đây là loại hương được đồng bào dân tộc Mông khá ưa chuộng, dùng để thắp cho tổ tiên vào các ngày lễ, dịp tết cổ truyền. Mỗi ngày, gia đình anh sản xuất được từ 500 đến 600 bó hương thành phẩm (70 chân hương/bó), bán buôn với giá 8.000 đồng/bó, sản phẩm được khách hàng đến mua tận nhà và giao cho một số đại lý tại xã Phiêng Ban (Bắc Yên)...

Sản phẩm hương của gia đình anh Hòa được khách hàng đến mua tận nhà.

Trải qua thời gian, nghề làm hương ở bản Xà vẫn được duy trì. Tuy nhiên, chỉ còn khoảng 10 hộ gia đình làm nghề này và được xem là nghề phụ. Mặc dù hương thơm và an toàn cho người sử dụng, nhưng hiện chưa có bao bì, thương hiệu và hầu hết các công đoạn vẫn làm thủ công. Để giữ nghề truyền thống và tăng thêm nguồn thu nhập từ nghề làm hương, nhân dân bản Xà rất mong cấp ủy, chính quyền xã Huy Hạ quy hoạch vùng trồng cây thảo dược để chủ động nguồn nguyên liệu; đồng thời, thông qua các đoàn thể của xã, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, mẫu mã, hình thức sản phẩm hương...

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.