Nghề thêu truyền thống của đồng bào Mông Suối Tọ

“... Rừng chiều có tiếng khèn ai đó. Khèn hát lên những lời mong chờ. Đường đi về rừng, đường đi xuống núi. Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều. Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau...” - Tiếng khèn dìu dặt giai điệu “Bài ca trên núi” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương như mời gọi chúng tôi về rẻo cao Suối Tọ (Phù Yên), nơi có những người phụ nữ Mông chịu thương, chịu khó, ban ngày bộn bề với nương lúa, nương ngô, đêm về lại miệt mài thêu nên những bộ trang phục truyền thống dân tộc.

Phụ nữ dân tộc Mông bản Lũng Khoai, xã Suối Tọ (Phù Yên) duy trì nghề thêu trang phục truyền thống.

Phụ nữ Mông coi thêu thùa như bổn phận phải lo cái ăn, cái mặc cho gia đình. Bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, bé gái Mông đã được các bà, các mẹ dạy thêu thùa trên những tấm vải lanh; những cô gái đến tuổi “cập kê” đã tự may được cho mình từ 2 đến 3 bộ váy áo... Bà Vàng Thị Mái, bản Lũng Khoai, đang cần mẫn thêu từng sợi chỉ màu lên váy, bàn tay không còn nhanh nhẹn, nhưng hễ rảnh việc bà lại giở vải ra thêu, bà bảo: Đã qua rồi cái thời thêu váy để làm duyên, giờ tôi chỉ thêu cho các thành viên trong gia đình và truyền dạy cho con cháu.

Trước đây, để hoàn thành một bộ trang phục truyền thống phải mất từ vài tháng đến một năm, với các công đoạn từ dệt vải, nhuộm chàm, thêu, in sáp ong, cắt ghép các mảnh vải thành bộ trang phục hoàn chỉnh. Chị Vàng Thị Sông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Tọ, chia sẻ: Những vạt nương bạc màu không trồng được cây ngô, cây sắn, chúng tôi lại gieo hạt lanh để lấy sợi dệt vải. Sau 2 đến 3 tháng gieo là có thể thu hoạch. Cây lanh sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô, rồi tước vỏ thành từng sợi nhỏ, se thành sợi và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo ra mấu ở chỗ nối. Các sợi lanh sau đó được cuốn cho vào khung quay để xoắn lại thành từng cuộn. Đem luộc trong nước tro sạch để sợi mềm và trắng rồi đem phơi khô, sau đó đưa vào guồng chia sợi trước khi đưa vào khung cửi để dệt thành vải.

Theo chị Sông, khó nhất là công đoạn làm chân váy, phải thêu các màu chỉ khác nhau, đầu tiên là thêu chỉ đỏ, rồi chỉ vàng, chỉ trắng, thêu đến khi chiếc váy kín hết. Mỗi họa tiết đều mộc mạc, gắn liền với đời sống tâm linh và tinh thần của đồng bào Mông; họa tiết chủ yếu là các hình vuông, chữ thập, đinh, quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, xoáy kép, răng cưa... Bên trong là các hình ngôi sao năm cánh, hoa bí, hoa mận, hoa đào, hoa sen, mạng nhện, cánh bướm, cành tùng, búp tre, con rắn, sừng dê... Khi thêu không có hình mẫu cụ thể mà chỉ dựa vào kinh nghiệm và cách tính toán từng đường kim mũi chỉ, kích thước trên toàn bộ mảnh vải, chỉ nhầm một mũi kim là phải gỡ ra làm lại. Khi hoàn thành toàn bộ hoa văn trên vải phải đều đặn đến từng chi tiết. Bí quyết phối màu ấy đã bao đời được các thế hệ người Mông tôi luyện và sáng tạo, các mẫu hoa văn cũng được lưu giữ qua trí nhớ rồi truyền từ đời này sang đời khác.

Phụ nữ Mông ngồi thêu lúc nông nhàn.

Công việc thêu thùa diễn ra quanh năm suốt tháng, có thể thêu vào lúc nông nhàn, tranh thủ giờ nghỉ trưa trên nương, buổi tối. Thêu không chỉ đơn thuần là tạo ra những bộ trang phục sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, mà còn chứa đựng nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Để giữ nghề, các cấp hội phụ nữ xã Suối Tọ đã tuyên truyền, vận động bà con ở các bản truyền dạy kỹ thuật thêu cho con cháu; tổ chức trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm váy áo truyền thống tại các Ngày hội văn hóa, thể thao của huyện. Qua đó, tạo điều kiện cho bà con giao lưu, trao đổi, mua bán, giúp những bộ trang phục truyền thống dần trở thành hàng hóa, góp phần tạo thêm sinh kế cho phụ nữ nơi đây.

Chiếc váy truyền thống được thêu hoàn chỉnh trong thời gian từ 3-4 tháng

 

Trang phục Mông được trưng bày, quảng bá tại Ngày hội Văn hóa, thể thao huyện Phù Yên.

Cuộc sống của đồng bào Mông, mở cửa bước ra là chạm mây, chạm gió, chạm nắng lửa, mưa rừng. Mặc dù sống trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, nhưng phụ nữ Mông vẫn chăm chỉ lao động và khi những dịp lễ, tết, họ lại xúng xính những bộ váy áo truyền thống do chính bàn tay họ thêu dệt nên để xuống chợ tình, chợ phiên, hòa mình vào các lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới