Nghề làm giấy dó của người Dao Đỏ

Người Dao ở Sơn La, gồm: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần Chẹt với những đặc trưng văn hóa khác nhau. Song họ có chung một nghề truyền thống là làm giấy dó. Hàng năm, cứ khi nông nhàn, đồng bào Dao Đỏ ở bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) lại làm giấy dó.

Người Dao Đỏ ở bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) đang tráng giấy dó.

Nguyên liệu để làm giấy gồm cuống rơm lúa nương; gióng tre non vừa ra lá; cây dướng hoặc cây dó. Ngoài ra, còn có cây nhớt làm chất tạo độ kết dính cho giấy. Người Dao lấy nguyên cuống rơm đoạn thân cây lúa gần với bông. Dùng cây tre non, vừa ra lá, chặt lấy gióng (bỏ đốt), cạo hết lớp vỏ phấn xanh, bỏ ruột, chẻ thành nan mỏng. Cây dướng, cây dó chặt về, cạo hết lớp bên ngoài rồi tước lấy vỏ. Các loại nguyên liệu này tỷ lệ ngang nhau cho vào nồi, thêm một ít tro bếp đã được sàng lọc kỹ và ít vôi cùng với nước đun nhừ, có màu nâu đục giống như bã của củ sắn dây, lại đem ngâm ủ từ 5 đến 7 ngày nữa. Sau đó, nguyên liệu được nắm thành từng nắm, dùng chày gỗ đập nhừ rồi cho vào thùng nước sạch khuấy đều, dùng que tre buộc thành nan như chiếc lược để vớt bỏ hết bã, hòa thêm ít nước vỏ cây nhớt đập dập đã được lọc trước,  rồi tiến hành tráng giấy. 

Khung tráng giấy làm bằng gỗ, căng mặt bằng vải thô, kích thước khoảng 1 m. Đặt các khung tráng ở chỗ bằng phẳng, dùng gáo múc nước bột giấy tráng đều trên bề mặt khung vải thành một lớp mỏng. Bằng kinh nghiệm người tráng giấy có thể biết được giấy đã đủ độ hay chưa, dày quá thì giấy sẽ thô, mỏng quá thì giấy dễ rách, không bóc được. Tráng giấy xong, để nguyên cho róc bớt nước, khoảng 30 phút sau, lại dựng nghiêng góc 45 độ rồi phơi nắng khoảng 2 ngày là bóc giấy. Khi bóc giấy, dùng một thanh tre mỏng, nhẵn hoặc dùng mảnh xương sườn trâu, bò đã mài nhẵn lách bốn phía xung quanh khung giấy để cắt góc giấy rồi dùng hai tay kéo mặt giấy bóc nhẹ, đều từ trên xuống dưới. Giấy thành phẩm mỏng, có mầu trắng đục, một mặt mịn bóng, một mặt hơi thô ráp.

Người Dao Đỏ ở Phiêng Bay cũng giống các vùng người Dao khác, dùng giấy dó để viết sách và làm đồ cúng lễ. Người Dao có chữ viết gọi là chữ Nôm Dao, được lưu truyền từ đời này qua đời khác như: sách văn học, sách tín ngưỡng tôn giáo, sách lịch sử và một số loại hình khác. Đặc biệt, trong các lễ: cấp sắc, tết nhảy, giải hạn, thanh minh... đều không thể thiếu giấy bản (giấy dó) để vẽ, viết lên đó những điều dăn dạy cháu con làm điều lành, tránh điều ác... Ngoài ra, giấy dó còn dùng rất nhiều trong các lễ nghi, giấy dó làm tiền vàng, cắt các hình nhân, con vật để làm lễ vật dâng lên thần linh, tổ tiên, cho người quá cố mang về thế giới bên kia. Mỗi gia đình người Dao Đỏ ở Phiêng Bay một năm phải làm khoảng 100 tờ giấy để phục vụ các lễ nghi, nhà nào không có điều kiện làm có thể làm sẵn nguyên liệu, đổi công cho nhà khác làm giúp hoặc có thể mua của nhau. Hằng năm, mỗi nhà nấu nguyên liệu giấy khoảng một nồi 500 lít, tráng giấy đủ dùng cho cả năm. 

Nghề làm giấy của người Dao Đỏ ở Phiêng Bay chủ yếu do người phụ nữ đảm nhiệm, họ cho rằng nghề làm giấy là công việc yêu cầu sự khéo léo, tỷ mỷ và kiêng người lạ đi vào khu vực nấu giấy sẽ làm cho nồi giấy không thành công, nguyên liệu sẽ không được nhừ như mong muốn.

Hiện nay, nghề làm giấy vẫn được duy trì ở bản Phiêng Bay. Cấp ủy, chính quyền bản, các dòng họ đều nhắc nhở người thân, gia đình, khuyến khích con cháu bảo tồn và phát huy nghề làm giấy dó thủ công truyền thống để góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Dao nói chung, người Dao Đỏ ở bản Phiêng Bay nói riêng.

Anh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng

    Họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/11, đồng chí Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng chấm Giải báo chí về xây dựng Đảng, đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng, thống nhất xếp loại các tác phẩm đoạt giải năm 2024.
  • 'Dân tộc Lào

    Dân tộc Lào

    Dân tộc Lào sinh sống ở tỉnh Sơn La có khoảng 3.380 người, sinh sống chủ yếu ở một số địa phương dọc theo đường biên giới Việt Nam - Lào, trong đó nhiều nhất tại huyện Sốp Cộp và huyện Sông Mã. Nhà ở của người Lào là kiểu nhà sàn có hai mái dài và hai mái đầu hồi. 
  • 'Ban Dân vận Trung ương khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại huyện Yên Châu

    Ban Dân vận Trung ương khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại huyện Yên Châu

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/11, Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương do đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn, đã khảo sát 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới tại huyện Yên Châu.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/11/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/11/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của cao lạnh lục địa tăng cường, áp và độ ẩm tăng. Thời tiết: Nhiều mây, đêm có mưa, mưa rào và dông vài nơi, trời rét, vùng núi cao có nơi rét đậm, ngày có lúc giảm mây hửng nắng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
  • 'Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024

    Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024

    Văn hóa - Xã hội -
    Ngày 5/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới" năm 2024. Đây là một trong những nội dung tuyên truyền về Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
  • 'Dân tộc La Ha

    Dân tộc La Ha

    Dân tộc La Ha là một trong các dân tộc ít người ở Sơn La, hiện có dân số khoảng 10.000 người, sinh sống tập trung tại một số bản thuộc các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu. Dân tộc La Ha có ngôn ngữ riêng, họ sống cộng cư với người Thái Đen nên trong sinh hoạt hằng ngày, ngoài tiếng mẹ đẻ, đồng bào còn học và sử dụng tiếng Thái Đen để giao tiếp.