Xã Chiềng Tương (Yên Châu) là xã vùng 3, biên giới, giáp nước bạn Lào, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nghề dệt vải lanh truyền thống đã có từ lâu đời, gắn liền với phong tục tập quán và những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mông nơi đây. 14-15 tuổi, người phụ nữ Mông đã biết se lanh, dệt vải và tự may trang phục cho cả gia đình. Vải lanh còn được sử dụng trong hầu khắp các phong tục, tín ngưỡng của người Mông trong việc dựng vợ gả chồng, ngày cúng, giỗ, lễ, tết.
Phụ nữ bản Pa Kha 1, xã Chiềng Tương dệt vải lanh.
Ông Thào Lao Dống, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Tương cho biết: Trong đời sống của người dân tộc Mông, nghề dệt thổ cẩm có vị trí quan trọng. Người phụ nữ dân tộc Mông biết trồng lanh, dệt vải thể hiện sự dẻo dai, cần cù và khéo léo trong lao động sản xuất. Những bộ váy, áo rực rỡ sắc màu được dệt từ sợi lanh tạo nên nét đẹp riêng. Người dân ưa chuộng vải lanh, bởi có độ bền chắc, thông thoáng và không bị mốc. Toàn xã hiện có trên 4 ha trồng lanh, nghề trồng lanh, dệt vải giúp nhiều hộ có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Trong những năm gần đây, nghề dệt lanh đã giúp người dân ở Chiềng Tương tăng thêm thu nhập. Lúc nông nhàn các nhóm nghề thổ cẩm của phụ nữ ở các bản nhận đơn hàng từ các HTX ở huyện với các mẫu mã như: Khăn quàng cổ, ví, túi xách, váy, áo, vải dệt... Nhiều hộ có thu nhập khá cao từ nghề dệt lanh, như gia đình chị Mùa Thị Dịa, Tếnh Thị Páo, bản Pa Kha 2; Lìa Thị Sông, bản Đin Chí... góp phần cải thiện đời sống của các gia đình nơi vùng cao này và trên hết là để giữ nghề dệt lanh truyền thống.
Theo kinh nghiệm của bà con, vào khoảng tháng 2, tháng 3, khi xuất hiện những cơn mưa đầu mùa là bắt đầu gieo hạt trồng lanh. Đến tháng 7, tháng 8 cây lanh đến độ bánh tẻ thì thu hoạch, đem phơi khô, tách vỏ, xe sợi, dệt vải may quần áo. Chị Giàng Thị Sơ, bản Pa Kha 1 chia sẻ: Quá trình hình thành tấm vải lanh rất công phu, với gần 30 công đoạn khác nhau, như: Thu hoạch lanh, phơi khô, tước vỏ, se sợi, tẩy sợi, lên khung, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ sáp ong... Bí quyết để một tấm vải lanh bền đẹp không chỉ nhờ đôi bàn tay khéo léo, tỷ mỷ của người phụ nữ mà còn ở kỹ thuật nhuộm chàm và vẽ sáp ong rất đặc biệt. Để cho thớ vải không phai màu theo thời gian sau khi vải dệt xong được nhuộm chàm nhiều lần với những bí quyết riêng. Vẽ sáp ong lên vải để tạo hoa văn, họa tiết là công đoạn khó nhất, mất nhiều thời gian và chỉ có những người dệt lanh lâu năm mới có thể làm thành thạo được.
Nghề dệt lanh của người dân tộc Mông Chiềng Tương là nét văn hóa truyền thống, minh chứng sinh động về đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của người phụ nữ nơi đây. Hy vọng nghề dệt lanh không bị mai một và được bảo tồn, ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!