Nghề chiếu bóng lưu động

Khi những buổi chiếu phim lưu động dường như đã thưa vắng ở thành thị thì đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số “rạp chiếu phim lưu động” vẫn là kênh thông tin hữu hiệu để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nâng cao sự hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Cùng Đội chiếu bóng lưu động huyện Sốp Cộp về các bản vùng cao trong huyện, mới thấy bà con háo hức đón chờ xem phim và chia sẻ công việc với những người làm công tác chiếu bóng, chúng tôi thêm cảm thông với nghề vất vả nhưng đầy ý nghĩa này...

Nhân dân bản Tông, xã Mường Và (Sốp Cộp) xem triển lãm ảnh tại buổi chiếu phim.

Rộn ràng làng quê

 

Bản Tông, xã Mường Và (Sốp Cộp) như rộn ràng hơn bởi tin có đội chiếu bóng về. Dưới sự phân công của Trưởng bản, người thì chặt cây để căng phông, người đào hố chôn cọc giúp các thành viên của đội chiếu bóng chuẩn bị bố trí nơi để máy móc, loa đài... Cũng như nhiều hộ khác trong bản, sau một ngày lao động vất vả, gia đình anh Tòng Văn Bạt, ăn chiều sớm hơn mọi ngày để đi xem phim. Mấy đứa trẻ nhà anh háo hức lắm, chẳng thiết ăn uống, chúng rủ nhau đi từ rất sớm so với thời gian chính thức của buổi chiếu phim.

Theo kế hoạch, 20 giờ tối buổi chiếu mới bắt đầu nhưng trước đó cả mấy giờ, bà con tề tựu rất đông. Bắt đầu buổi chiếu, Đội điện ảnh tuyên truyền trực tiếp bằng phim tài liệu “Lên đỉnh Chống Sủa Vàng”, nói về sự đồng lòng hành trình triệt phá cây anh túc. Người xem im lặng, trật tự, theo dõi. Đến khi đoàn công tác tìm và bắt được đối tượng đang chích nhựa thuốc phiện tại nương trồng anh túc rộng cả nghìn mét vuông thì mọi người ồ lên vỗ tay hoan hỉ.

 

Thế mạnh của tuyên truyền trực quan

 

Anh Tòng Văn Mai, Đội trưởng Đội chiếu bóng huyện chia sẻ: Liên đội điện ảnh huyện Sốp Cộp có 2 đội, 1 đội phụ trách 5 xã vùng cao; 1 đội phụ trách 3 xã vùng thấp. Đội của chúng tôi hiện đã thực hiện 36 buổi chiếu tại các xã, thu hút trên 7 nghìn lượt người tham gia. Ngoài việc chiếu phim theo kế hoạch, chúng tôi còn tuyên truyền miệng, triển lãm nhỏ theo từng chủ đề tại các bản thuộc các xã vùng sâu, vùng xa. Các buổi chiếu phim thường được sắp xếp thành chương trình gồm: Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng; kế hoạch hóa gia đình, an toàn giao thông, khuyến nông, khuyến lâm, xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS, phim phóng sự tài liệu, phim hoạt hình thiếu nhi, phim truyện...

Anh Mai nói thêm với chúng tôi: Trước đây, chiếu bóng lưu động rất quan trọng, bởi ti vi, internet chưa phổ biến, mỗi buổi chiếu đều thu hút rất đông người dân đến xem. Còn bây giờ, khán giả có vơi đi, mỗi buổi chiếu chỉ có khoảng 200 người đến xem đã là thành công rồi. Làm nghề gặp nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều niềm vui, đơn giản là trẻ em vùng quê vây lấy chúng tôi khi chuẩn bị đồ đạc chiếu phim; hay ánh mắt ngưỡng mộ của các bà, các chị. Tại một số điểm chiếu, bà con muốn được xem nhiều thể loại phim, nên ngoài những phim tuyên truyền tài liệu theo quy định anh em trong Đội cố gắng đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

 

Tình yêu nghề

 

Đều đặn, mỗi tháng dù mưa hay nắng, Đội vẫn lên đường phục vụ bà con. Máy móc, thiết bị chất lên xe máy, mang niềm vui về cơ sở. Thường thì kết thúc buổi chiếu phim, thu dọn xong đồ nghề về đến nhà đã 10 hoặc 11 giờ đêm. Nhiều bữa gặp mưa phải nghỉ lại nhà dân để hôm sau lại tiếp tục đến bản khác. Ấy vậy nhưng, khi được hỏi có lúc nào chán muốn bỏ nghề, thì các thành viên đều bảo, đã trải qua chừng ấy năm, vui có, buồn có nên chẳng ai nghĩ đến chuyện bỏ nghề.

Hiện nay, đời sống dân trí của đồng bào dân tộc đang dần được nâng lên. Nhiều hộ gia đình đã có ti vi, điện thoại, giao thông cũng thuận lợi hơn nhiều... nhưng việc tuyên truyền theo hình thức chiếu phim lưu động vẫn cho thấy hiệu quả tích cực. Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sốp Cộp đánh giá: Chiếu bóng lưu động vẫn là hoạt động tuyên truyền hiệu quả và thiết thực đối với người dân vùng cao, vùng xa. Theo báo cáo, năm 2016, các đội chiếu bóng lưu động của huyện đã đến 216 điểm bản trong toàn huyện phục vụ 432 buổi chiếu, thu hút hơn 99.000 lượt người xem. Chiếu bóng lưu động không chỉ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, đưa thông tin, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ sở một cách thiết thực đối với địa bàn miền núi, mà còn làm thay đổi nhận thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị và chủ quyền biên giới.

Mùi Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới