Mường Khiêng là xã vùng 2, cách trung tâm huyện Thuận Châu 25 km, với 36 bản và gần 2.000 hộ dân sinh sống. Những năm qua, tình trạng tảo hôn ở đây diễn ra khá phổ biến gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe sinh sản, trẻ em, ảnh hưởng đến chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội.
Cán bộ chuyên trách dân số-KHHGĐ xã Mường Khiêng tuyên truyền,
vận động nhân dân thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ.
Theo cán bộ chuyên trách dân số-KHHGĐ xã đến thăm gia đình bà Lò Thị Xóa, bản Bó Phúc, xã Mường Khiêng (Thuận Châu), cách trung tâm xã hơn 5 km, giao thông đi lại thuận tiện. Gia đình bà Xóa không nhận thức được những hệ lụy do tình trạng tảo hôn, vì thế, khi con gái 16 tuổi nghỉ học để lấy chồng thì gia đình bà không phản đối. Bà Xóa chia sẻ: Ngày trước, con gái và con rể yêu nhau, muốn lập gia đình, nhưng tôi không ngăn cản. Bây giờ, nhìn các bạn cùng trang lứa với con tôi được đi học đầy đủ, còn con tôi ở nhà nuôi con nhỏ rất vất vả, công việc không có.
Thực trạng tảo hôn trên địa bàn xã Mường Khiêng diễn ra khá phổ biến, theo số liệu thống kê của cán bộ chuyên trách dân số-KHHGĐ xã, mỗi năm, trên địa bàn xã có từ 30-40 cặp tảo hôn, chủ yếu là các em trong độ tuổi đi học cấp THCS, THPT. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được những hệ lụy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Tảo hôn dẫn đến hệ quả mang thai ở tuổi vị thành niên, khi cơ thể phát triển chưa hoàn thiện để nuôi dưỡng bào thai, dẫn đến mẹ và con đều bị ảnh hưởng sức khỏe. Trường hợp của cặp vợ chồng Bạc Thị Địa và Lò Văn Đối, bản Hin Lẹp (Mường Khiêng) lập gia đình khi cả hai mới 17 tuổi, khi sinh con, đứa trẻ bị thiếu tháng, gầy yếu và khó nuôi. Em Địa cho biết: Năm 17 tuổi, em đã bỏ học ở nhà lấy chồng, sinh con. Tuy nhiên, đến nay, con đã gần 1 tuổi, chỉ nặng hơn 7 kg và đau ốm thường xuyên. Đến bệnh viện khám, được các bác sỹ giải thích, em mới biết do mang thai ở lứa tuổi vị thành niên, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ các điều kiện để nuôi dưỡng bào thai nên đã ảnh hưởng tới sự phát triển của con.
Để giảm thiểu và đẩy lùi nạn tảo hôn, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về giảm tình trạng tảo hôn, các cấp chính quyền cụ thể hóa thành các chương trình hành động, có kế hoạch tổ chức thực hiện. Xã đã thành lập tổ công tác gồm cán bộ chuyên trách dân số-KHHGĐ xã, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên phối hợp với ban quản lý các bản hằng tháng tổ chức các buổi tư vấn, sinh hoạt nhóm, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh dân số, tác hại của việc tảo hôn, trong đó, tập trung lứa tuổi từ 10-19 tuổi. Ban quản lý các bản phối hợp với Ban Chỉ đạo công tác dân số-KHHGĐ xã làm tốt công tác theo dõi, kịp thời ngăn chặn các trường hợp có ý định tảo hôn trên địa bàn.
Đồng chí Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Mường Khiêng, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác dân số-KHHGĐ xã, cho biết: Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn, xã phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động và rà soát những đối tượng có nguy cơ tảo hôn để có biện pháp tiếp cận, tuyên truyền, thuyết phục kết hợp răn đe, xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm... Từ đầu năm đến nay, xã đã mời 4 gia đình có nguy cơ tảo hôn lên trụ sở để tuyên truyền, giáo dục. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn trên địa bàn đã được kiềm chế và đẩy lùi, hơn 5 tháng đầu năm, xã không có trường hợp nào tảo hôn.
Để thực hiện và tiến tới nhân rộng mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn, xã Mường Khiêng đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, trọng tâm là Luật Hôn nhân và gia đình. Tích cực vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa. Cùng với đó, xây dựng quy ước, hương ước bản không tảo hôn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong các trường học để học sinh nhận thức được tác hại của tảo hôn, từ đó, có thêm kiến thức và hành vi đúng đắn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!