Lưu giữ, phát huy văn hóa dân tộc La Ha

Trong chuyến công tác về huyện Quỳnh Nhai, chúng tôi đến bản Bung Lanh, xã Mường Giàng ghé thăm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân tộc La Ha để trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo đang được duy trì và gìn giữ.

 

Các thành viên Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân tộc La Ha ở bản Bung Lanh, xã Mường Giàng trong điệu múa khăn piêu (ảnh chụp trước thời điểm 27/4).

Mới đầu giờ sáng, nhưng các thành viên của câu lạc bộ đã tề tựu đông đủ. Trong trang phục áo cóm đen, những người phụ nữ say sưa điệu múa khăn piêu. Những chiếc khăn piêu được thêu hoa văn sặc sỡ, người múa nhịp nhàng đi vòng tròn, xoay đều, hai tay cầm khăn uyển chuyển nhưng khỏe khoắn, dứt khoát trong tiếng trống, chiêng rộn ràng...

Năm 2020, Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND huyện Quỳnh Nhai thành lập mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa của dân tộc La Ha vùng di dân tái định cư thủy điện Sơn La tại bản Bung Lanh, xã Mường Giàng. Tuy mới được thành lập, nhưng CLB đã thu hút 35 thành viên, bao gồm cả người già và trẻ, gái, trai trong độ tuổi từ 25- 50 tuổi, cùng chung đam mê văn hóa dân tộc.

Chị Lò Thị Tình, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: Định kỳ 1 tháng/lần, chúng tôi đến nhà văn hóa bản hoặc sân đất rộng cùng nhau tập luyện các điệu múa dân gian của dân tộc như tăng bu, múa khăn, múa phồn thực...; ôn lại những câu chuyện xưa như: Truyền thuyết núi ba ông, mẹ đất mẹ nước..., sáng tác những bài hát bằng tiếng La Ha, như: Hốp dơn pụ hồ, hốp dơn Đảng (biết ơn Cụ Hồ, biết ơn Đảng), Mừng xuân mới, Tết về bản...

Ngồi nghe các thành viên CLB cất tiếng hát, lúc trầm, bổng, lúc cao vút đến da diết; nội dung các bài hát chủ yếu đề cao tinh thần đoàn kết, lao động, sáng tạo, lẽ sống, ứng xử của con người với thiên nhiên, mong ước về cuộc sống ấm no, đủ đầy...; thể hiện với sự tâm huyết của họ đối với nghệ thuật của dân tộc mình. Qua câu chuyện với thành viên CLB, được biết, người La Ha không có chữ viết, chỉ có tiếng nói riêng. Tuy nhiên, qua nhiều năm chung sống, giao thoa văn hóa với các dân tộc khác, tiếng nói riêng của dân tộc La Ha đang có nguy cơ mai một, muốn lưu giữ bản sắc của dân tộc mình, thành viên CLB đã cố gắng sáng tác nhiều bài hát, bài thơ để thu hút mọi người tích cực sử dụng ngôn ngữ dân tộc và dễ dàng truyền thụ cho con cháu.

Ông Lò Văn Thiên, thành viên CLB, tâm sự: Trước đây, mỗi dịp huyện, xã tổ chức chương trình văn nghệ, tôi chỉ được xem các dân tộc khác, như: Thái, Kháng, Mông... biểu diễn. Đến nay, dân tộc chúng tôi đã có đội múa, hát, cùng được tham gia giao lưu, so tài, thấy điệu múa, bài hát của chúng tôi được nhiều người khen hay, đặc sắc, tôi cảm thấy rất vui, hãnh diện.

Bên cạnh giữ gìn điệu múa, tiếng nói riêng, Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân tộc La Ha đã vận động, tuyên truyền người dân giữ gìn Lễ Pang A - một nghi thức truyền thống quan trọng, là dịp nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn thầy thuốc có công cứu chữa cho mình được khỏi bệnh, nhớ về nguồn cội. Ở đây, Lễ Pang A thường tổ chức một ngày tại nhà thầy cúng vào khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch. Nét đặc sắc nhất trong lễ hội là sau khi cúng xong, thầy cúng diễn trò, miêu tả một số bệnh trong cuộc sống thường gặp để cầu được sức khỏe, may mắn cho mọi người. Trong dịp này, mọi người còn tham gia các trò chơi ném còn, nhảy múa làm cho không khí ngày hội thêm tưng bừng, náo nhiệt, gắn kết cộng đồng.

Để thu hút thêm nhiều thành viên và phát triển hoạt động, CLB sinh hoạt văn hóa dân tộc La Ha đang hướng tới xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với quảng bá hình ảnh văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần.

Thủy Tiên
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới