Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã đề cập mức hỗ trợ dành cho diễn viên, nghệ sĩ hưởng lương hạng bốn trong các đơn vị nghệ thuật công lập. Đây được xem là bước đi thiết thực, ý nghĩa, góp phần kịp thời chia sẻ khó khăn cho đội ngũ nhân lực trẻ ở các loại hình nghệ thuật biểu diễn.
Tháng 6/2020, khi vừa chính thức được nhận vào Nhà hát Tuồng Việt Nam, nghệ sĩ trẻ sinh năm 1994 Nguyễn Đình Tiến đã phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Không có suất diễn, không có nguồn thu, sống xa gia đình, chỉ có đồng lương ít ỏi gần ba triệu đồng/tháng dành cho diễn viên hạng bốn, Tiến đành xoay xở làm thêm việc bán mỹ phẩm trực tuyến để trang trải cuộc sống. Còn Đặng Thị Thảo, nữ diễn viên 24 tuổi của Nhà hát Cải lương Việt Nam sau hai năm về nhà hát đã phải làm thêm công việc bán thời gian liên quan tư vấn, giới thiệu sản phẩm để đối phó đại dịch. Nhiều đồng nghiệp trẻ của họ ở các đơn vị nghệ thuật biểu diễn cũng phải quay sang làm đủ thứ nghề như chạy xe ôm, làm nhân viên giao hàng (shipper), bán đồ ăn online để kiếm sống.
Khi hoạt động nghệ thuật biểu diễn trực tiếp bị tê liệt trong “bão” Covid-19 cũng là lúc đời sống của các nghệ sĩ gặp vô vàn thách thức, nhất là những người giữ chức danh nghề nghiệp hạng bốn. Họ chủ yếu là những nghệ sĩ chưa có thâm niên, mức lương khởi điểm thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cuộc sống bình thường vốn đã khó khăn cho nên càng chông chênh trong mùa dịch. Đó là lý do những nghệ sĩ là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ ở các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ 1/5/2021 đến 31/12/2021 đã được Nghị quyết số 68/NQ-CP xác định là đối tượng nhận mức hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người. Diễn viên Nguyễn Đình Tiến cho hay: Với nhiều người, đây có thể chỉ là số tiền nhỏ nhưng với những nghệ sĩ mới vào nghề, nhất là các nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống, như tuồng - loại hình kén người xem, thì đây là khoản hỗ trợ đáng kể để nhẹ bớt gồng gánh áo cơm.
Lao động nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù. Để có được một tài năng nghệ thuật, nhất là đối với các loại hình kén khán giả như tuồng, chèo, cải lương, giao hưởng..., đòi hỏi phải trải qua quá trình đào tạo kéo dài, bài bản từ nhỏ. Những nghệ sĩ trẻ dũng cảm đi theo con đường gìn giữ nghệ thuật cha ông phần lớn là những người có đam mê và tình yêu chân chính với di sản nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, nhiều đợt dịch ập đến, kéo dài, đời sống biểu diễn nghệ thuật bị ngưng trệ khiến tâm lý của các nghệ sĩ không khỏi hoang mang, xáo trộn. Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam và một số đơn vị khác đã có không ít diễn viên trẻ bỏ nghề. Trong bối cảnh ấy, theo đánh giá của đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị nghệ thuật, chính sách hỗ trợ của Chính phủ không chỉ là sự tiếp sức mùa dịch mà còn góp phần “giữ chân” nghệ sĩ trẻ.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nước ta có hơn 2.000 viên chức là nghệ sĩ hạng bốn công tác ở khoảng 100 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn, không bao gồm các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang. Họ đa phần là những người trẻ được xác định sẽ trở thành một phần trong lực lượng nòng cốt của các đơn vị nghệ thuật. Bên cạnh biểu diễn, nhiều người trong số họ còn làm nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ những loại hình nghệ thuật làm nên chiều sâu văn hóa Việt Nam. Quan tâm tới họ cũng là vun đắp cho sự phát triển của văn hóa nghệ thuật. Nói như Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Trong lao động nghệ thuật, bên cạnh năng lực sáng tạo tốt còn cần có cảm xúc tốt. Nếu để những tài năng nghệ thuật, những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú trong tương lai bỏ nghề là điều vô cùng đáng tiếc. Vì thế, mọi sự hỗ trợ, động viên trong lúc này đối với những người gặp khó khăn trong đại dịch đều là đúng đắn, cần thiết và vô cùng đáng quý, đáng trân trọng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!