Game show “Về bản em”

“Về bản em” là Game show (trò chơi truyền hình) đầu tiên được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức và phát sóng trên kênh truyền hình địa phương. Qua 3 số phát sóng với nội dung phong phú, đa dạng, hấp dẫn, Chương trình đã và đang tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

 

Bản Nậm Giắt, xã Phổng Lái (Thuận Châu) tập luyện trò chơi Tu Lu chuẩn bị cho Game show “Về bản em”.

Những ngày tháng 8, chúng tôi có dịp tham gia cùng với êkíp làm chương trình của Phòng Văn nghệ và Giải trí (Đài PT-TH tỉnh) đến với bản Nậm Giắt, xã Phổng Lái (Thuận Châu) để chuẩn bị cho công tác tổ chức chương trình “Về bản em” số thứ 4. Mặc dù trời mưa to, nhưng nhân dân Nậm Giắt vẫn đội mưa ra đón đoàn. Trong cái bắt tay thật chặt, Trưởng bản Lầu A Tồng phấn khởi: Nhận được thông tin Đài PT-TH tỉnh chọn bản Nậm Giắt làm nơi tổ chức chương trình “Về bản em”, nhân dân trong bản rất vui mừng, hào hứng. Những ngày qua, chúng tôi đã chọn lọc nhân tố, thành lập đội tham gia thi và tổ chức tập luyện theo nội dung, kịch bản đã được phổ biến. Mặc dù đang vào thời điểm thu hoạch ngô, công việc bận rộn, nhưng bà con vẫn sắp xếp thời gian tranh thủ  luyện tập. Mục tiêu của bản khi tham dự chương trình là giao lưu, học hỏi và cố gắng đạt thành tích cao nhất.

Với mục đích hướng về cơ sở, cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đồng thời, tạo sân chơi vui tươi, lành mạnh, bổ ích, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ và giải trí của bà con nhân dân các bản, bắt đầu từ tháng 6/2017, chương trình “Về bản em” đã được tổ chức tại các địa điểm: Chiềng Cọ (Thành phố), Phiêng Luông và Mường Sang (Mộc Châu). Tham dự mỗi chương trình có 2 đội đại diện cho 2 bản trên địa bàn. Các đội sẽ tham gia 4 phần thi: Nép đẹp bản tôi, khéo tay hay nghề, dân ca dân vũ và các trò chơi thể thao dân gian... Thành viên các đội tham gia Game show không chỉ đòi hỏi về sức khỏe, sự nhanh nhẹn, khéo léo mà còn phải thuần thục về hát, múa, nhạc cụ cũng như hiểu biết nhiều kiến thức, kỹ năng hùng biện, ứng xử...

Bà Lò Thị Chiêng, Trưởng phòng Văn nghệ và Giải trí, Đài PT-TH tỉnh cho biết: Mỗi game show được phát trên sóng truyền hình chỉ gói gọn trong khoảng 60 phút, nhưng để có được một kỳ phát sóng, những người thực hiện đã làm việc vất vả trong một thời gian dài. Êkíp thực hiện chuẩn bị trước đó ít nhất 1 tháng với  nhiều công đoạn, từ viết kịch bản, ý tưởng nội dung chương trình, thiết kế sân khấu, lựa chọn và khảo sát địa điểm tổ chức, vận động tài trợ... với nhiều nhân lực, máy móc phương tiện chuyên dụng. Sau đó tiến hành khớp nối thành một chương trình hoàn chỉnh. Thời gian tới, Đài PT-TH tỉnh sẽ đưa chương trình đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hướng đến bà con dân tộc thiểu số để nhân dân có điều kiện tiếp cận, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Mặt khác, đây cũng là dịp để khán giả hiểu thêm những nét văn hóa của các dân tộc thông qua việc theo dõi chương trình. Bên cạnh đó, Đài sẽ tiếp tục nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm qua những lần tổ chức để đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, với mục đích chương trình trở thành món ăn tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy mới ra đời, nhưng Game show “Về bản em” đã thổi một luồng gió mới, góp phần đa dạng hóa các chương trình trên kênh truyền hình của tỉnh nhà. Đồng thời, tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả xem truyền hình. Đây là tiền đề để Đài PT-TH tỉnh có thêm động lực, tiếp tục sản xuất nhiều chương trình giải trí hay, hấp dẫn hơn nữa, đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ và giải trí của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Hoàng Giang (Đài PT-TH tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới