Với chủ đề “Sắc màu văn hóa Thái Sơn La”, hoạt động giáo dục trải nghiệm do Bảo tàng tỉnh vừa tổ chức, thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước tới tham quan trải nghiệm. Thông qua các bài hát, câu chuyện kể, điệu múa, trò chơi dân gian và ẩm thực, kết hợp trưng bày những bức ảnh đẹp về con người, cảnh vật các miền quê Sơn La đã để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách về một Sơn La đậm đà bản sắc văn hóa, thân thiện và mến khách.
Du khách trải nghiệm làm quả còn và thêu khăn piêu.
Từ sáng sớm dọc hai bên đường vào khu Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, những chuyến xe chở khách từ các nơi tấp nập đổ về. Mở đầu Lễ khai mạc là những tiết mục múa do đội văn nghệ bản Bó, phường Chiềng An (Thành phố) biểu diễn đã mang đến cho đại biểu và du khách những giai điệu tự hào về Thành phố hoa ban thơ mộng bên dòng Nậm La. Ngay sau đó, du khách được hòa mình với những hoạt động trải nghiệm văn hóa Thái tổ chức trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh.
Cuốn hút theo tiếng gõ sạp nhịp nhàng là những bước nhảy uyển chuyển, duyên dáng của các thiếu nữ Thái khiến du khách muốn được trải nghiệm. Tuy những bước chân còn gượng gạo, chưa bắt nhịp, có người bị vấp, nhưng ai cũng vui. Chị Nguyễn Thùy Anh, du khách đến từ thành phố Hà Nội, hào hứng: Đây là lần đầu tiên tôi lên thăm Sơn La và cũng là lần đầu tiên được xem múa sạp. Lúc đầu bỡ ngỡ, vì chưa nhảy sạp bao giờ, nên hồi hộp. Nhảy sạp rất vui và thú vị.
Ngay gần đó, nhiều du khách đang cuốn hút với trò chơi tó mák lẹ. Đây là một trong những trò chơi dân gian khá phổ biến và mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái, được lưu truyền từ nhiều đời. Được biết, mák lẹ là một loại hạt cây họ đỗ dạng dây leo mọc ở trong rừng già có hình tròn, dẹt, độ dầy khoảng 1 cm và đường kính từ 4 - 6 cm. Người ta lựa chọn những hạt mák lẹ già đã tách khỏi vỏ, có màu đen nâu, tròn đều và phần lõm giữa quả không sâu để sử dụng chơi vào các dịp lễ, tết hay dịp vui của cộng đồng dân cư, không phân biệt già, trẻ. Trò chơi này chia người chơi thành từng đội. Số người chơi càng đông, trò chơi càng sôi nổi. Thông thường, mỗi đội chơi có từ 5 đến 7 người. Để giành được phần thắng, đòi hỏi thành viên của mỗi đội phải khéo léo, dẻo dai, đặc biệt là độ chính xác cao, có sức mạnh để bắn hạt mák lẹ của đội bạn bay qua đích. Đối với nhiều du khách, đây là một trò chơi rất lạ, muốn được thử sức. Những người tham gia trò chơi dường như không có khoảng cách giữa các vùng miền, từ lạ mà quen, cùng chơi và tán thưởng.
Không ồn ào nhưng lại thu hút lượng lớn du khách trải nghiệm thêu khăn piêu và làm quả còn. Vận trang phục áo cóm truyền thống, với hàng cúc bướm duyên dáng, đôi tay thoăn thoắt đưa từng đường kim, mũi chỉ thêu khăn piêu, chị Lường Thị Lan, bản Bó, phường Chiềng An (Thành phố) giới thiệu: Chiếc khăn piêu gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Khi người Thái lên nương, xuống ruộng, khăn piêu giúp che nắng, che mưa, mùa đông lạnh thì giữ ấm và là vật linh thiêng với người phụ nữ Thái cho đến khi qua đời. Em bé Thái, khi lên tuổi 12, sẽ được mẹ truyền cho nghề thêu thùa. Sau này, khi trưởng thành lập gia đình, chiếc khăn piêu là món quà quý giá tặng gia đình chồng… Nhìn những đường kim, mũi chỉ tạo thành hoa văn tinh xảo khiến du khách trầm trồ, thán phục. Nhiều người đã trải nghiệm thêu khăn piêu, cách đội khăn piêu đúng và đẹp. Trước khi ra về, không ít du khách đã mua cho mình chiếc khăn piêu ưng ý làm món quà lưu niệm.
Chị Nguyễn Thị Hoa đến từ Phú Thọ tham gia trải nghiệm tại đây nói: Dân tộc Thái là dân tộc đa số của tỉnh Sơn La, chúng tôi đã tìm hiểu điều này trước khi lên Sơn La. Nhưng khi đến đây, được tiếp xúc trực tiếp với đồng bào dân tộc Thái, tôi thêm hiểu về tình cảm, nét văn hóa đặc trưng và đặc sắc của dân tộc Thái. Tôi thấy rất hài lòng, cảm thấy chuyến đi lần này thật thú vị, bổ ích. Tôi và các bạn đã lưu lại nhiều bức hình đẹp, chúng tôi sẽ chia sẻ và giới thiệu với bạn bè của mình.
Cũng như chị Hoa, trước khi ra về, nhiều du khách còn được trải nghiệm múa xòe, chơi ném còn, tham quan Trại giới thiệu, trưng bày 100 bức ảnh đẹp giới thiệu về văn hóa, con người, vùng quê Sơn La; được thưởng thức ẩm thực dân tộc với món xôi tím gói trong lá dong dẻo thơm, ăn cùng món thịt lợn khô, thịt nướng, cá nướng đậm đà... Điều đáng mừng, trong dòng khách tấp nập tới tham gia hoạt động giáo dục trải nghiệm hôm nay còn có rất nhiều trẻ em. Tại đây, các em được nghe giới thiệu về văn hóa Thái, được cùng bố mẹ và người thân tham gia trải nghiệm các điệu múa, trò chơi, mang đến cho các em kỳ nghỉ lễ lý thú, bổ ích, giúp các em thêm yêu quý nét đẹp văn hóa Thái.
Bà Lưu Thị Hải Anh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Dân tộc Thái chiếm tới 54% dân số trong tỉnh và là dân tộc thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa của mảnh đất này, với những lời khắp, điệu múa đằm thắm trữ tình, duyên dáng; điệu xòe đoàn kết say đắm lòng người… Tuy nhiên, một số nét văn hóa Thái đang dần bị mai một, vì vậy, năm nay chúng tôi tiếp tục tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm, với chủ đề “Sắc màu văn hóa Thái Sơn La”, góp phần duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Thái Sơn La nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Chúng tôi dự kiến mỗi năm sẽ tổ chức 2 hoạt động vào các dịp nghỉ lễ, đơn cử năm nay là dịp 30/4 tổ chức trải nghiệm văn hóa dân tộc Thái; quý 4/2019, sẽ tổ chức trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao.
Trong ba ngày diễn ra hoạt động trải nghiệm, Bảo tàng tỉnh đã đón hàng nghìn lượt du khách. So với lần đầu tổ chức, hoạt động giáo dục trải nghiệm năm nay được tổ chức dài ngày hơn, quy mô và chất lượng cao hơn. Tin rằng, đây sẽ là một trong những hình thức giới thiệu, quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch Sơn La. Qua đó, ngày càng nhiều bạn bè du khách trong và ngoài nước biết đến Sơn La đang phát triển, thân thiện và mến khách.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!