Ngày 15/3/1953, tại Đồi Cọ (chiến khu Việt Bắc), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh”. Từ đó, ngày 15/3 hằng năm được ngành Điện ảnh chọn kỷ niệm Ngày thành lập. Ngày 15/3/1955, Điện ảnh Sơn La được thành lập, qua nhiều lần đổi tên, đến năm 1994, chính thức đổi thành Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Sơn La (gọi tắt là Điện ảnh Sơn La).
Các kỹ thuật viên Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Sơn La thực hiện hậu kỳ phim tài liệu.
Từ ngày thành lập, Điện ảnh Sơn La luôn phát huy truyền thống đoàn kết, năng động sáng tạo, phát triển toàn diện ở cả 3 khâu: Sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim, nhằm đưa các sản phẩm văn hóa về cơ sở phục vụ đồng bào các dân tộc, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng cao, biên giới. Hằng năm, đơn vị tổ chức hơn 6.000 buổi chiếu phim thu hút 1,5 đến 1,7 triệu lượt người xem; sưu tầm và biên soạn 300-500 tài liệu tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh; hoàn thành 7 đến 9 bộ phim tài liệu, 30 đến 35 phim biên dịch lồng tiếng, phát hành 2.000 đến 7.000 băng đĩa phục vụ hoạt động chiếu bóng lưu động và trao đổi nghiệp vụ với các đơn vị điện ảnh trong toàn quốc...
Điện ảnh Sơn La đặc biệt chú trọng công tác chiếu phim kết hợp tuyên truyền, tập trung các chương trình trọng điểm của tỉnh, như: Công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La, xây dựng các mô hình xóa đói giảm nghèo, phòng chống ma túy... Riêng lĩnh vực chiếu bóng, đơn vị có số buổi chiếu phim kết hợp thông tin tuyên truyền nhiều nhất so với các tỉnh thành trong cả nước nhiều năm liền; tham gia thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh có giá trị áp dụng vào đời sống thực tiễn. Theo đó, đơn vị đã chủ động sản xuất 7 phim tài liệu nghệ thuật về các chủ đề: Bản sắc văn hóa dân tộc; tuyên truyền các hoạt động văn hóa, pháp luật; gương người tốt, việc tốt; công tác phòng, chống ma tuý; an toàn giao thông; lồng thuyết minh tiếng dân tộc Thái, dân tộc Mông vào 24 tác phẩm điện ảnh; sưu tầm, phát hành 78 phim, in sao phát hành 1.856 bản phim, cung ứng cho các đội chiếu bóng lưu động; in sao, phát hành 1.200 bản tài liệu tuyên truyền, các văn bản Luật bằng 3 thứ tiếng (Phổ thông, Thái và Mông); chỉ đạo 26 đội chiếu bóng lưu động phục vụ cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới thực hiện 5.760 buổi chiếu tại 2.976 điểm, thu hút hơn 1,5 triệu lượt người xem. Ngay trong quý I/2017, cao điểm là tuần phim phục vụ dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu 2017, Điện ảnh Sơn La đã chỉ đạo các đội chiếu bóng cơ sở, các đội lưu động, tổ chức chiếu 468 buổi, phục vụ 108.000 lượt người xem; phát hành 130 bản tài liệu tuyên truyền; phát hành 5 phim; dịch và lồng thuyết minh tiếng dân tộc cho 2 phim.
Theo ông Trần Hồng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Sơn La, lộ trình những năm tiếp theo, đơn vị tiếp tục bám sát nhiệm vụ tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tập trung sản xuất nhiều tác phẩm chất lượng, những cuốn phim hay, bám sát thực tiễn đời sống xã hội, phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào. Tăng cường khai thác tiềm năng, sản xuất nhiều phim ca nhạc, phim tài liệu, phim biên dịch lồng tiếng thuyết minh bằng tiếng dân tộc thiểu số, xóa các bản trắng về xem phim. Đổi mới công nghệ và phương thức phục vụ tốt hơn, có nhiều phim hay hơn, nhiều buổi chiếu bóng hơn ở các vùng sâu, xa, vùng cao, biên giới. Tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả “Chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ”. Ngay trong năm nay, tập trung sản xuất 7 phim tài liệu nghệ thuật; 24 phim lồng thuyết minh tiếng dân tộc; phát hành 2.450 bản phim và tài liệu tuyên truyền; duy trì 26 đội chiếu bóng phục vụ công tác chiếu phim kết hợp với thông tin tuyên truyền cơ sở; thực hiện 4.500 buổi chiếu, thu hút 1,2 triệu lượt người xem, đáp ứng cao nhất nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của đồng bào các dân tộc Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!