Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - những ngày Tháng Tám

Những ngày Tháng Tám này, thăm khu Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, trong tôi dâng trào bao cảm xúc, bởi cảnh quan Di tích được quan tâm đầu tư, tôn tạo, đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, trở thành điểm tham quan du lịch lịch sử gắn với môi trường sinh thái lý tưởng giữa lòng Thành phố.

Hướng dẫn viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu với du khách về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. 

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1908 của thế kỷ trước, thực dân Pháp đã xây dựng Nhà tù Sơn La chủ yếu để giam cầm tù thường phạm. Ban đầu nhà ngục chỉ khoảng 500 m2. Năm 1930  hòng dập tắt phong trào cách mạng đang dâng cao, Thực dân Pháp mở rộng lên 1.500 m2 và 170 m2 vào năm 1940 và Nhà tù Sơn La được chuyển thành Nhà ngục Sơn La với mục đích biến nơi đây thành địa ngục để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người chiến sỹ cộng sản Việt Nam. Từ 1930 đến 1945, hàng nghìn chiến sĩ yêu nước Việt Nam đã bị giam cầm, đày ải tại đây, như: Khuất Duy Tiến, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu, Phạm Quang Lịch, Nguyễn Văn Trân, Trần Huy Liệu, Xuân Thủy, Trần Đăng Ninh... Vượt lên trên gông cùm và tội ác của thực dân Pháp, những người cộng sản đã biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng; biến những bức tường đá lạnh lẽo thành những viên gạch hồng ấm tình đồng chí; biến đêm đen thành những tia sáng cách mạng, tiếp lửa đồng bào các dân tộc Sơn La - Tây Bắc đoàn kết vùng lên lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 26 tháng 8 năm 1945. Di tích Nhà tù Sơn La từ đó trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khí phách kiên cường, khát vọng giành độc lập tự do; tinh thần lạc quan và sáng tạo của những người cộng sản; biểu tượng cao đẹp về tinh thần đại đoàn kết dân tộc và cũng là nơi lưu giữ chứng tích lịch sử tố cáo tội ác dã man của chế độ thực dân.

Năm 1962, Di tích nhà tù Sơn La được xếp hạng quốc gia và năm 2015, Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt. Sau 2 năm được công nhận, Khu di tích tiếp tục được tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm trùng tu, tôn tạo, đầu tư khai thác, đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Hiện tại, khu trại 3 gian đã được sửa sang tôn tạo trả lại hiện trạng vốn có của nó; hệ thống chiếu sáng trong xà lim ngầm, trại giam lớn đã được nâng cấp; các hiện vật được xếp đặt bài bản, trang trọng và thường xuyên được bổ sung, chỉnh lý; đường dông (đường lớn) quanh trại đã được cải tạo, trồng hoa, lối đi sạch sẽ; bãi đỗ xe nâng cấp, xây mới khang trang; bảng nội quy và sơ đồ tham quan Khu di tích được làm mới; hệ thống quầy bán vé và quà lưu niệm cho khách tham quan luôn có nhân viên phục vụ 24/24 giờ trong tuần, nhất là thứ bảy, chủ nhật; đội ngũ hướng dẫn viên được đào tạo cơ bản, nhiệt tình, cởi mở. Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Nhà tù Sơn La được khánh thành dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7 vừa qua, tạo nên bức tranh muôn màu mang hơi thở sức sống mới, thu hút hàng triệu lượt du khách về tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử. 2 năm qua, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La đã đón trên 530 nghìn lượt khách, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Riêng tháng Bảy vừa qua, Khu di tích Quốc gia đặc biệt đón gần 4.500 lượt khách trong nước và quốc tế.

Ông Phạm Duy Khương, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Đơn vị đang trưng bày và lưu giữ 127 tư liệu, hiện vật liên quan đến Di tích Nhà tù Sơn La, trong đó, 39 hiện vật và 88 tư liệu; tấm bia đá khắc tên đồng chí Tô Hiệu đã và đang được Bảo tàng tỉnh Sơn La quản lý, tổ chức khai thác. Đặc biệt, Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Nhà tù Sơn La đã trở thành nơi tri ân các anh hùng liệt sĩ; nơi tổ chức các hoạt động hướng về nguồn cội, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thời gian tới, đơn vị tập trung cao cho công tác tham mưu quy hoạch, tôn tạo di tích, chỉnh lý, bổ sung tư liệu hiện vật; tham mưu cho tỉnh, ngành sưu tầm tư liệu hiện vật về Di tích Nhà tù Sơn La ở các cơ quan lưu trữ Trung ương, địa phương và đặc biệt là ở Cộng hòa Pháp; tăng cường công tác phục vụ khách tham quan; chỉnh lý, bổ sung phần thuyết minh di tích; phối hợp với các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang để tiếp tục tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng; tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng quảng bá, xuất bản các ấn phẩm về Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La là biểu tượng ý chí cách mạng kiên cường soi sáng cho các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Sơn La tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ra sức thi đua yêu nước, xây dựng Sơn La ngày càng phát triển.

Anh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới