Cứ thứ 6 hằng tuần, khi trời chưa rạng sáng, từ các ngả đường của bản Pá Nó, Hát Pang, Căm Cặn, Nà La A, Bôm Kham, Nà Làng A, Nà Làng B, Nà La B..., xã Mường Bám (Thuận Châu) hay các bản lân cận xã Co Mạ (Thuận Châu), xã Xuân Lao, huyện Mưởng Ẳng, xã Tinh Thông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), người dân nô nức kéo về chợ phiên Mường Bám để mua, bán, trao đổi hàng hóa, nông sản, những sản phẩm, sản vật của địa phương.
Một góc chợ phiên Mường Bám (Thuận Châu).
Chợ Mường Bám được xây dựng trên bãi đất bằng phẳng, tương đối rộng, nằm ở trung tâm xã nối với các tuyến giao thông đi xã Xuân Lao, huyện Mường Ẳng, xã Tinh Thông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), xã Co Mạ (Thuận Châu). Chợ Mường Bám được chia thành khu trung tâm là dãy ki ốt, với hơn 40 gian hàng được bày bán vải vóc, quần áo, đồ tạp hóa, máy móc; trong chợ là hàng thịt, hàng rau và hàng ăn. Xung quanh chợ có các trường học, Trạm Y tế và dân cư đông đúc. Theo bà con ở đây, chợ đã có từ lâu, ngày xưa bà con chủ yếu trải bạt hoặc bao tải bán mớ rau, con cá, hoa quả của gia đình làm ra. Năm 2015, chợ được đầu tư xây dựng thành các ky ốt có mái che và chia thành từng ô, từng lô, từ đó, xã thành lập Ban quản lý chợ, quy định thời gian họp chợ để bà con trong xã và các xã lân cận được trao đổi hàng hóa vào giao lưu văn hóa.
Anh Lò Tiến Văn, Trưởng Ban quản lý chợ, cho biết: Trước kia, bà con họp chợ mang tính tự phát, các quán nhỏ ven đường được dựng lên tạm bợ để bán những vật dụng hằng ngày, nhưng khi thời tiết mưa, nắng thất thường, khó khăn cho người bán và người mua. Từ khi chợ được xây dựng, ban quản lý chợ đã làm chỗ gửi xe, an ninh trật tự được đảm bảo. Nhờ đó, việc trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa của bà con được thuận lợi hơn.
Đi chợ phiên Mường Bám, chúng tôi cảm nhận không gian thật khác so với những phiên chợ ở miền xuôi. Đó là một không gian đa sắc màu, đa ngôn ngữ. Có được điều đó là bởi phiên chợ ở đây có sự hiện diện của nhiều dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh, với nhiều sắc màu văn hóa hội tụ. Hàng hóa bán đều là những sản vật do đồng bào vùng cao tự làm và mang xuống trao đổi, mua bán tại chợ phiên. Đó là những loại rau tự trồng, mật ong rừng, rau rừng, nấm hương, mộc nhĩ, măng rừng. Bên cạnh đó là các sản phẩm tươi sống như “gà bản”, “vịt bản”, “lợn cắp nách”. Tuy là chợ nông thôn nhưng hàng hóa phong phú và đủ chủng loại. Có người mang đến chợ chỉ là mớ rau, con gà, quả ớt, nhưng họ đến chợ như thói quen, cứ vào phiên chợ họp bà con các bản lại rủ nhau đi chợ từ rất sớm để giao lưu, gặp bạn ở các bản xa tụ họp về đây, hỏi han sức khỏe, trao đổi cách làm ăn. Vào những ngày mùa, chợ họp từ rất sớm và tan muộn, bà con từ nơi khác đến họp chợ ngày một đông hơn.
Bên cạnh các mặt hàng nông sản, chợ Mường Bám còn bày bán quần áo may sẵn, đồ trang sức, hàng tạp hóa do các hộ kinh doanh chuyển từ Thành phố, các xã lân cận và người dân trong xã Mường Bám lấy hàng từ nơi khác về chợ bán. Khu hàng này thu hút nhiều khách là phụ nữ và thiếu nữ, nhất là dãy hàng bán đồ trang sức, váy nhung, váy thổ cẩm, váy Mông, áo cóm được treo thành từng lô, với nhiều sắc màu sặc sỡ. Chị Lường Thị Quy, bản Nà Hát B, chủ một gian hàng quần áo, nói: Tôi thường lấy hàng từ Thành phố về đây bán, với đầy đủ các loại quần áo, váy, giầy dép và hàng tạp hóa, nhà cạnh chợ nên tôi bày bán quần áo cả ngày, trừ chi phí, mỗi phiên tôi lãi hơn 200 nghìn đồng.
Dãy bán hàng thực phẩm cũng tương đối phong phú với hơn 30 quầy bán cá, gà, thị lợn, thịt bò. Chị Lường Thị Chất, bản Nà Hát A, chủ quầy bán thịt lợn, cho biết: Từ khi thành lập chợ, tôi đến đây bán thịt lợn, mỗi phiên mổ từ 1-2 con khoảng gần 1 tạ, vào ngày mùa, hàng thực phẩm bán chạy nên thu nhập cũng khá.
Mặt trời lên cao, chợ phiên Mường Bám dần tan, những người mua hàng nhanh chóng mua những hàng thiết yếu để kịp về nhà, người bán hàng cũng nhanh tay thu dọn đồ đạc. Người bán, người mua chào nhau thân thiện, hẹn gặp nhau trong phiên chợ tới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!