Cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã giúp cho người lao động có thêm cơ hội lựa chọn được công việc phù hợp, doanh nghiệp yên tâm khi có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Học viên học nghề may dân dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp và liên kết với các tỉnh bạn, các trường đào tạo nghề, nắm bắt và xử lý kịp thời các thông tin thị trường về lao động; xây dựng kế hoạch tổ chức “Ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động năm 2017” tại các xã; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như nhu cầu việc làm và học nghề của lao động trong tỉnh. Trên cơ sở đó, phân tích đánh giá thị trường lao động, Trung tâm xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giới thiệu và cung ứng lao động.

Để tạo thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động, Trung tâm đã tiếp nhận đăng ký tìm việc, học nghề, tuyển dụng qua hệ thống máy tính; người lao động và người sử dụng lao động có thể truy cập Website

vlsonla.vieclamvietnam.gov.vn để tìm hiểu các thông tin liên quan. Đặc biệt, tổ chức kết nối việc làm, tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, giới thiệu người lao động đến các đơn vị hoặc tổ chức phỏng vấn tại phiên giao dịch. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tư vấn việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động cho 900 lượt người; giới thiệu việc làm và cung ứng 23 lao động cho các doanh nghiệp trong tỉnh; đưa thông tin tuyển dụng lên website 25 hồ sơ tuyển dụng, 63 hồ sơ tìm việc; thông tin thị trường lao động cho 25.977 lượt người; tư vấn học nghề cho 145 lao động.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tư vấn, học nghề và giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp; tiếp nhận và giải quyết 152 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (đã chi trả gần 1,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Kiển, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh: Cái khó trong công tác tư vấn, đào tạo nghề là số lao động được tuyển dụng còn hạn chế; thị trường lao động rất tiềm năng nhưng thiếu lao động có trình độ tay nghề cao, thừa lao động phổ thông hoặc đào tạo trái nghề; lao động không muốn đi làm việc xa gia đình, chưa quen với kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp. Riêng cơ sở vật chất của Trung tâm chưa đồng bộ, thiếu trang thiết bị làm việc, thiết bị sàn giao dịch việc làm. Thêm nữa, gần đây có nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh; các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm chưa đa dạng ngành nghề, chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông; chênh lệch ở một số ngành có hồ sơ nộp nhiều như kế toán, tài chính ngân hàng... ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tiết và kết nối giữa nhà tuyển dụng với người lao động.

Từng bước giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố, thị trấn, thiếu việc làm ở nông thôn, Trung tâm tiếp tục bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chương trình công tác của ngành, xây dựng kế hoạch hoạt động sát thực tế; liên kết với hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, các trường đào tạo nghề, nắm bắt và xử lý các thông tin thị trường về lao động; điều tra, khảo sát nhu cầu tuyển lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhu cầu việc làm, xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài của lao động; phân loại lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn và giải quyết việc làm, cung ứng lao động... giúp người lao động lựa chọn được ngành nghề phù hợp, tìm được việc làm, giảm thiểu lao động thất nghiệp.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới