Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số

Thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình, đề án, giải pháp nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.

Kho sách chữ Thái cổ lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Trong lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng các quyết định, kế hoạch về văn hóa, tiêu biểu như: Quyết định số 1349/QĐ-UBND ngày 08/6/2010 về phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá tỉnh Sơn La giai đoạn 2010 - 2020; Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 26/5/2011 về kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2016; Quyết định số 587/QĐ-UBND ngày 27/3/2012 về việc phê duyệt Đề án bảo quản, dịch thuật, khai thác, phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2014; Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 2/12/2015 về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 31/12/2017 về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Sơn La giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030... Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tại địa phương. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh lưu giữ 23.366 hiện vật thuộc di sản văn hóa vật thể, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, ý thức phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc: Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng và nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học 10 di sản văn hóa tiêu biểu, trong đó có 7 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Chữ viết cổ dân tộc Thái; Lễ Hết Chá dân tộc Thái (nhóm Thái trắng Mộc Châu); Nghệ thuật Xòe Thái; Lễ cúng dòng họ của người Mông; Lễ Pang A của người La Ha; Nghi lễ Cấp sắc của người Dao; Nghệ thuật Khèn của người Mông huyện Mộc Châu. Bên cạnh đó, tỉnh ta có 2 kho sách chữ Thái cổ lưu giữ tại Thư viện tỉnh và Bảo tàng tỉnh. Sau khi thực hiện Đề án “Kiểm kê, bảo quản, dịch thuật sách chữ Thái cổ giai đoạn 2012-2014” và Kế hoạch “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2019” đã lựa chọn những cuốn sách có nội dung tốt, để các nhà nghiên cứu dịch thuật ra tiếng phổ thông; scan, số hóa sách chữ Thái cổ tại Bảo tàng và Thư viện tỉnh; nâng cấp phần mềm libol 6.0 lên 6.5 tại Thư viện tỉnh, mua sắm một số trang thiết bị bảo quản sách.

Cùng với đó, từ nguồn ngân sách của tỉnh, Sơn La đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, tư liệu hóa một số lễ hội, lễ nghi của các dân tộc, như: Lễ hội Hoa Ban của dân tộc Thái tại huyện Vân Hồ; Lễ cấp sắc của dân tộc Dao; Lễ Pang A, Lễ cúng bản của dân tộc La Ha; Lễ Kin khảu hó của dân tộc Lào... Nghiên cứu, sưu tầm về cách chế tác, thể hiện, truyền dạy và tư liệu hóa loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc: Nhạc cụ của người Mông, Thái, Khơ Mú; các làn điệu dân ca của người Dao, Mường và Thái; nghề làm giấy thủ công và nghệ thuật vẽ tranh thờ trên giấy dó của người Dao; Nghi lễ cúng vía trâu của người Thái; Lễ cúng bản của người La Ha; Lễ mừng cơm mới của người Lào; nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong trên vải của dân tộc Mông. Thực hiện Đề án “Sưu tầm và phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La” giai đoạn 2014-2015, đã biên tập dàn dựng 6 điệu xòe, nhạc xòe; dựng đĩa DVD, VCD các bản nhạc, các động tác xòe để phổ cập đến các đối tượng học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh; tập huấn cho các đội văn nghệ mẫu, hạt nhân văn nghệ tại các bản, tổ, tiểu khu, trường nhằm phổ cập các điệu xòe đến các bản, tổ, tiểu khu trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng năm 2018, mở  69 lớp tập huấn truyền dạy “Xòe Sơn La” tới các sở, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các hạt nhân văn nghệ các xã, phường, thị trấn, sinh viên các trường học, với 3.560 học viên tham gia; cấp 50 đĩa CD nhạc xòe, 50 đĩa VCD động tác xòe cơ bản cho lớp tập huấn “Xòe Sơn La” tại các huyện, thành phố.

Tuy nhiên, việc đầu tư, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc còn ít, dàn trải; nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, người dân đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số còn hạn chế. Một số lễ hội, lễ nghi phục dựng lại gặp nhiều khó khăn, do người chủ lễ, thầy mo, thầy cúng không còn, không gian tổ chức cũng có sự thay đổi do quá trình đô thị hóa... Các đội văn nghệ quần chúng phát triển mạnh, là môi trường tốt để bảo tồn những điệu múa, dân ca, nhạc cụ  truyền thống. Song các yếu tố truyền thống đang có nguy cơ bị mất dần, xen vào đó những yếu tố: Trang phục, đạo cụ, nhạc cụ... đã được cải biên, chưa phù hợp. Kinh phí tổ chức, tham gia các ngày hội chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn xã hội hóa...

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di sản, nâng cao nhận thức về các giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng cư dân để người dân thực sự vừa là chủ nhân sáng tạo, gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa, vừa là những người trực tiếp hưởng thụ thành quả đó. Gắn kết việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, với việc xây dựng, giữ gìn môi trường sinh thái văn hóa, đời sống văn hóa cộng đồng làng bản.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới