Âm nhạc dân tộc trong dòng chảy thời đại

Sự hội tụ và lan tỏa của các loại hình dân ca truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La đã tạo nên những mảng văn hóa đa sắc màu, trở thành vốn di sản quý giá rất cần được bảo tồn và phát huy.

 

Một tác phẩm của Nhà hát ca múa nhạc tỉnh mang đậm màu sắc dân tộc.

 

Theo dòng chảy thời gian, nhất là trong thời đại ngày nay, xuất hiện các dòng nhạc mới, khiến những làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số không còn xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống thường ngày. Tuy vậy, chất liệu dân ca dân tộc vẫn luôn có sự ảnh hưởng lớn đến âm nhạc hiện đại, đi vào những sáng tác mới theo nhiều cách khác nhau. Những nhạc sĩ vẫn luôn có cách riêng để làm sống dậy những làn điệu dân ca tưởng chừng như xưa cũ để âm nhạc dân tộc sống mãi cùng thời gian trong dòng chảy âm nhạc đương đại.

Những câu “khắp”, lời “đang” một thời vang vọng khắp các bản làng. Từ trong nhà đến trên nương, dưới ruộng, người ta hát để thể hiện nỗi niềm cảm xúc, để trao gửi lời yêu thương đôi lứa, để đối đáp nhau vui vầy trong những ngày hội xuân. Câu ca đi vào giấc ngủ của những em bé lớn lên trên lưng mẹ qua bao mùa ngô, mùa lúa, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ được sinh ra và gắn bó cùng đại ngàn Tây Bắc, trở thành một phần của cuộc sống, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc miền núi, là văn hóa truyền đời mà dân tộc nào cũng có, trở thành nền tảng cho âm nhạc dân tộc ngày nay. 

Dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc miền núi luôn là nguồn cảm hứng vô tận và là chất liệu quý giá để các nhạc sĩ sáng tác nên những tác phẩm âm nhạc sống mãi cùng thời gian. Mảnh đất Sơn La giàu truyền thống văn hóa đã và đang sản sinh các thế hệ nhạc sĩ tài năng, đưa âm nhạc dân tộc đi lên cùng năm tháng và vươn tới những tầm cao mới. Họ là những người lớn lên ở bản làng, am hiểu về cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Văn hóa và dân ca ngấm vào máu thịt đã giúp họ có được những cảm nhận sâu sắc nhất về âm nhạc dân tộc để chắt lọc những gì đẹp nhất của các làn điệu dân ca, dân vũ và kết tinh lại trong những tác phẩm âm nhạc mang đậm màu sắc dân tộc, miền núi.

Rất nhiều tác phẩm âm nhạc đã ra đời hàng thập kỷ, nhưng đến nay vẫn được người nghe đón nhận nồng nhiệt. Những người sinh ra và lớn lên ở Sơn La có lẽ đã từng một lần được nghe, được nhớ và ấn tượng với giai điệu trữ tình, mượt mà, sâu lắng của ca khúc “Bến vạn tình yêu”, một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Mùi Hái. Hay những câu hát nhịp nhàng, tươi vui của ca khúc “Đón xuân”, của cố nhạc sĩ Cầm Bích và giai điệu mang đậm âm hưởng núi rừng của “Tình ca bên cối ngàn”, của cố nhạc sĩ Cầm Minh Thuận... Những ca khúc ấy vẫn được cất lên trong những ngày hội vui của bản, cho đến những chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô.

Có thể kể đến hàng trăm sáng tác gắn liền với tên tuổi của các nhạc sĩ gạo cội. Họ là những người đã đặt nền móng vững chắc, khai sáng một hướng đi mới cho âm nhạc dân tộc từng bước phát triển và phổ biến, chiếm được tình cảm yêu mến của không ít người nghe.

Nếu như sáng tác của các nhạc sĩ thời kỳ đầu mang đậm âm hưởng dân ca dân tộc thiểu số, thì một số các nhạc sĩ trẻ hiện nay lại kết hợp cả hai yếu tố dân gian và hiện đại khi viết ca khúc chủ đề về dân tộc và miền núi. Điển hình phải kể đến những tên tuổi quen thuộc gắn liền với những ca khúc viết về Sơn La như: Ta tự hào thành phố Hoa Ban (NSƯT Phạm Hồng Thu); Thành phố Hoa Ban (Bùi Khắc Bạo), Gọi mùa xuân đại ngàn (Mè Hoàng Thanh)... Mỗi nhạc sĩ luôn có cách để thổi hồn cho tác phẩm của mình mang màu sắc riêng, âm hưởng riêng của văn hóa từng dân tộc. Với mỗi bài hát viết về một vùng miền hay một dân tộc, họ đều sử dụng chất liệu chính là giai điệu dân ca, dân vũ đặc trưng của dân tộc đó để làm nền hoặc khéo léo đan xen trong cả ca từ và phối khí, ca khúc cũng từ đó mà tự nhiên, gần gũi với người nghe.

Dòng nhạc âm hưởng Sơn La - Tây Bắc những năm gần đây chứng kiến một sự thay đổi táo bạo hơn, với những ca khúc mang hơi hướng đương đại. Trong đó phải kể đến các ca khúc mới của nhạc sĩ trẻ tài năng Minh Đức (Nhà hát ca múa nhạc tỉnh). Với niềm say mê đã ngấm vào máu thịt cùng tình yêu vô tận với âm nhạc dân tộc, nhạc sĩ Minh Đức đã cho ra đời nhiều tác phẩm ghi dấu ấn đặc biệt tại các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Mới đây nhất là tác phẩm “Khèn ngược” được lấy cảm hứng từ cuộc đời người phụ nữ dân tộc Mông với ca từ thiết tha, giai điệu trầm lắng, da diết; hay tác phảm “Plứt sao sỏn pa” mang âm hưởng đặc trưng của dân ca và văn hóa dân tộc Thái. Đặc biệt là ca khúc “Noọng sao Tây Bắc” (Con gái Tây Bắc) với giai điệu rộn ràng, sôi động, hiện đại nhưng vẫn có “màu” dân gian trong đó được giới trẻ đón nhận và yêu thích.

Đứng trước sự thịnh hành của các dòng nhạc hiện đại, mới lạ và hấp dẫn, âm nhạc dân tộc vẫn có một lối đi riêng khi còn đó những người nghệ sĩ dành tất cả niềm đam mê cho các tác phẩm mang âm hưởng dân gian, dân tộc. Sự cách tân có chọn lọc, biết tiết chế là cách họ đã và đang vận dụng trong sáng tác những ca khúc vừa đáp ứng được thị hiếu nghệ thuật của người nghe thời nay vừa giữ được giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc miền núi trong các tác phẩm. Đây cũng là cách để các nhạc sĩ chân chính góp phần bảo tồn âm nhạc dân tộc - cội nguồn của nhạc Việt.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới