“Sân chơi” bổ ích của phụ nữ

Được tham dự Hội thi “Phụ nữ Sơn La với công tác xây dựng nông thôn mới” do Hội LHPN tỉnh tổ chức đầu tháng 11, mới thấy các chị thật đa tài, không chỉ hát hay, múa dẻo mà còn khéo léo trong giao tiếp, thể hiện những kỹ năng, kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân tích cực tham gia công tác xây dựng nông thôn mới.

 

“Hoạt cảnh bảo vệ môi trường” của đội thi huyện Mai Sơn.

 

Đến với Hội thi lần này có 11 đội với 55 thí sinh của 11 huyện, thành phố. Các đội đều thực hiện 3 phần thi bắt buộc là chào hỏi; kiến thức và tiểu phẩm tuyên truyền. Từ sự dí dỏm, linh hoạt, ứng xử thông minh trong từng phần thi, các thí sinh đã cho khán giả có cái nhìn thực tế về phong trào phụ nữ tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Bằng hình thức sân khấu hóa, phần thi chào hỏi được các đội tinh tế, khéo léo giới thiệu các thành viên, thành tích nổi bật của phong trào phụ nữ cơ sở trong việc thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phụ nữ tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong phần thi kiến thức, thành viên các đội không chỉ tự tin trả lời chính xác các câu hỏi bốc thăm, mà còn mở rộng, liên hệ với tình hình thực tế tại địa phương, thể hiện sự dày công nghiên cứu tài liệu, văn bản, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và của Hội, nắm chắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ, vai trò của phụ nữ khi tham gia xây dựng nông thôn mới. Phần thi làm cho không khí của Hội thi sôi động nhất chính là tiểu phẩm tuyên truyền. Các thí sinh không chỉ thể hiện trình độ, khả năng nắm bắt, hiểu biết các chỉ thị, nghị quyết, mà còn trở thành những diễn viên xuất sắc, nhập vai, hóa thân vào các nhân vật. Với sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng, các đội đã xây dựng được các tác phẩm tuyên truyền đa dạng, phong phú, gần gũi với thực tế; khả năng diễn xuất trong giải quyết tình huống có tính thuyết phục, hấp dẫn, bám sát chủ đề, có các tình huống giải quyết phù hợp thực tế cơ sở như các tiểu phẩm: “Nỗi trăn trở của bà Vơ”, “Bảo vệ môi trường”, “Chuyện nhà chị Thanh”, “Chuyện cái chuồng bò”... phản ánh chân thực tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân, có nơi vẫn nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn, gây ô nhiễm môi trường, tổn hại sức khỏe bản thân, gia đình và các hộ dân xung quanh. Khi được tuyên truyền, vận động, chị em đã tự giác vận động người thân cùng di chuyển gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn, đào hố rác theo quy định...

Sau khi hoàn thành phần thi, chị Lù Thị Oanh (đội Bắc Yên), chia sẻ: Xem các phần thi của đội bạn, tôi thấy mình học hỏi được nhiều kiến thức trong công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của chương trình xây dựng nông thôn mới, khi đã nhận thức rõ vấn đề, người dân sẽ tích cực hưởng ứng, tham gia. Nhưng trước hết, chính chị em phụ nữ chúng ta cũng phải tự giác và tích cực vận động gia đình, bạn bè, cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể để góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương mình.

Hội thi thực sự là sân chơi bổ ích, tạo điều kiện để các đơn vị học tập, chia sẻ, giao lưu học hỏi. Đồng thời, giúp các tuyên truyền viên của Hội không ngừng rèn luyện kỹ năng thuyết trình, ửng xử, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác tuyên truyền, vận động trong thời kỳ mới, nhất là kỹ năng tuyên truyền về công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, để đến năm 2020, toàn tỉnh có 23 xã được công nhận nông thôn mới và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới