Trở lại bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ), chúng tôi cảm nhận sự đổi thay ở đây với những tuyến đường nội bản đã được bê tông hóa rộng rãi, nhà văn hóa bản được xây dựng khang trang; nhiều hộ dân phát triển vườn cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ cho thu nhập ổn định, ngày càng khá giả.
Người dân bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ) chăm sóc vườn cây ăn quả.
Ông Nguyễn Tiến Việt, Trưởng bản Suối Quanh kể với chúng tôi về sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của bà con trong bản với việc khai thác tiềm năng thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhận thấy hiệu quả từ trồng cây ăn quả, các hộ dân trong bản đã từng bước chuyển đổi 120 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả ở bản lên gần 130 ha, hiện đã có 70 ha cho thu hoạch các loại quả: Cam, nhãn, xoài tượng da xanh, bưởi da xanh. Đồng thời, duy trì thâm canh hơn 3 ha ruộng, 10 ha ngô, 2 ha sắn. Sau nhiều năm, thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, đến nay diện tích rừng trồng của bản có trên 500 ha, không còn đất trống, đồi núi trọc.
Trao đổi được biết thêm, các hộ dân ở bản còn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng hình thức bán chăn thả, trồng cỏ voi và tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch mùa vụ; thực hiện tiêm vắc xin định kỳ phòng bệnh, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, dự trữ thức ăn trong mùa đông... Nhờ vậy trong bản thời gian qua đã không có dịch bệnh lớn. Cả bản hiện có 80 con trâu, bò, hơn 200 con lợn, 3.700 con gia cầm; 2 ha mặt nước nuôi thả cá... Nhiều hộ dân trong bản đã vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho lao động địa phương, điển hình như hộ ông Trần Văn Bình, kinh doanh tổng hợp các mặt hàng tiêu dùng, thu mua nông sản, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu nhập trên 400 triệu đồng; ông Nguyễn Hương Long, trồng 5 ha xoài tượng da xanh, mỗi năm gia đình thu hơn 200 triệu đồng; anh Phạm Ngọc Dũng, trồng 1 ha nhãn chín muộn và duy trì chăn nuôi 10 con lợn sinh sản, 30-40 con lợn thịt, thu nhập 200 triệu đồng/năm...
Tuyến đường nội bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ) đã được đổ bê tông.
Là một trong những gia đình phát triển kinh tế tiêu biểu của bản, nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Tiến, bản Suối Quanh đã có nguồn thu nhập cao từ sản xuất nông nghiệp. Anh còn vận động nhiều hộ cải tạo vườn xoài, nhãn giống cũ đã thoái hóa, ghép giống mới năng suất, chất lượng cao hơn. Anh Tiến chia sẻ: Sau khi đi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trên địa bàn, gia đình đã chuyển đổi hơn 3 ha trồng ngô sang trồng cây cam Vinh, vụ năm ngoái cho thu hoạch hơn 15 tấn quả, trừ chi phí, lãi hơn 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình còn đầu tư ghép nhãn chín muộn trên 300 gốc nhãn có sẵn. Có vốn gia đình tôi đầu tư nuôi thêm lợn, gà. Mỗi năm, thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ trồng trọt và chăn nuôi.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân bản Suối Quanh tích cực tham gia góp công, góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng ở bản. Từ năm 2014 đến nay, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã đóng góp trên 2.000 ngày công lao động, hơn 300 triệu đồng để bê tông hóa 3/5 tuyến đường nội bản; tu sửa gần 500 m đường lên nương; góp 500 ngày công lao động sửa chữa 1 cầu treo, đảm bảo đi lại thuận tiện và trao đổi hàng hóa. Hiện 100% gia đình được dùng điện lưới quốc gia, sử dụng nước hợp vệ sinh, có phương tiện nghe nhìn; thu nhập bình quân đạt hơn 17 triệu đồng/người/năm, bản chỉ còn 6 hộ nghèo. Việc học hành của con em trong bản được chăm lo, 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, nhiều em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Cùng với đó, bà con còn thường xuyên vệ sinh các tuyến đường, ngõ xóm; chuyển khu nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao trở thành hoạt động thường ngày, đã tạo mối đoàn kết gắn bó giữa những người dân trong bản.
Chia tay bản Suối Quanh, chúng tôi vẫn ấn tượng mãi với khung cảnh trên những đồi đất dốc, màu vàng của hoa xoài, hoa nhãn đang sai trĩu cành, người dân hăng say lao động sản xuất trên những mảnh ruộng, thửa nương của gia đình, càng minh chứng thêm sự thay đổi tập quán sản xuất để có cuộc sống khấm khá, hạnh phúc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!