Vân Hồ phát triển vùng rau an toàn

Điều kiện về đất đai, khí hậu của huyện Vân Hồ rất thuận lợi để trồng các loại rau, nhất là các loại rau ôn đới. Phát huy lợi thế, huyện Vân Hồ đã quy hoạch vùng trồng rau an toàn với diện tích hơn 350 ha ở xã Vân Hồ, Chiềng Khoa, Chiềng Yên, Song Khủa, Tô Múa và Xuân Nha, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Nông dân xã Vân Hồ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất các loại rau màu.

 

Nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Chiềng Khoa đã vận động nông dân chuyển đổi những diện tích ruộng một vụ sang trồng rau sạch, góp phần nâng cao giá trị trên một diện tích đất canh tác. Hiện, toàn xã có hơn 30 ha trồng các loại rau, chủ yếu là: Bắp cải, xà lách, rau cải và các loại rau thơm, sản lượng mỗi năm đạt trên 600 tấn.

Bà Vì Thị Anh, bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa, nói: Thời gian đầu sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ nên chưa có kinh nghiệm, rau thường bị sâu ăn lá, nhờ được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, không phun thuốc bảo vệ thực vật, diệt trừ sâu bằng biện pháp thủ công, bẫy côn trùng, nên rau phát triển, sinh trưởng tốt. Nhờ vậy, hơn 7.000 m² đất trồng rau, sau khi trừ chi phí, gia đình thu từ 80-90 triệu đồng/năm. Năm nay, gia đình còn chuyển đổi hơn 1.500 m² đất ruộng còn lại sang trồng rau bắp cải, cung cấp nguyên liệu sản xuất cho Nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Vân Hồ.

Năm 2019, khi mô hình sản xuất rau an toàn mới được triển khai, đa phần nông dân các xã đều ngần ngại do phải đầu tư chi phí tương đối lớn và lại chưa có kinh nghiệm. Trước thực tế đó, UBND huyện Vân Hồ đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng các điểm trồng rau an toàn trong nhà lưới; hướng dẫn các hộ dân và các HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, làm các thủ tục cần thiết để vay vốn ưu đãi từ ngân hàng... Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất rau an toàn từ cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, để vừa đạt năng suất cao lại có chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, khuyến cáo bà con không nên sử dụng thuốc kích thích cho rau tăng trưởng nhanh, ảnh hưởng sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Đến nay, trên địa bàn huyện Vân Hồ, bà con nông dân đã không còn phun thuốc trừ sâu hóa học, thuốc kích thích cho cây rau; nhờ đó, sản phẩm được khách hàng ưa chuộng.

Ông Mùi Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hồ, thông tin: Hiện, xã Vân Hồ có 1 HTX, 3 tổ hợp tác với trên 60 thành viên và các hộ dân tham gia mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 20 ha. Những năm trước, bà con chưa chú trọng tới việc sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa, chỉ trồng một vài loại rau dẫn đến khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, nhiều hộ dân trong bản thay đổi hướng sản xuất đã trồng rau an toàn trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao, hộ trồng ít thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm, hộ trồng nhiều có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Đời sống của người trồng rau từng bước được nâng lên.

Hiện nay, toàn huyện có hơn 80 ha trồng rau an toàn với sản lượng hơn 2.500 tấn/năm. Bình quân mỗi năm thu lãi trên 120 triệu đồng/ha rau an toàn. Sản phẩm rau an toàn không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đây thực sự là tín hiệu mừng, là cơ hội để mở rộng diện tích trồng rau an toàn, đưa Vân Hồ trở thành địa phương cung cấp nông sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm với chất lượng ngày càng cao.

Tuy nhiên, để sản xuất rau an toàn bền vững, cần có chính sách hỗ trợ sản xuất rau an toàn, xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn gắn với thương hiệu sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; hỗ trợ việc liên kết với các HTX, doanh nghiệp ở trong tỉnh, ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm cho bà con tại các thị trường.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới