Trái ngọt bên dòng suối Quanh

Về bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ), ấn tượng với màu xanh bạt ngàn của các đồi cây, vườn cây ăn quả. Trên mảnh đất trước đây khô cằn, thì nay đã ra quả ngọt, giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói nghèo.

Thành lập năm 1996, với 24 hộ dân sống bên dòng suối Quanh chảy qua, bà con lấy tên suối đặt tên cho bản. Những năm 2000 trở về trước, cả bản có 20 hộ nghèo. Cuộc sống khó khăn do mỗi năm bà con chỉ sản xuất một vụ lúa nương hoặc trồng ngô, gieo trồng các loại giống địa phương nên năng suất, chất lượng thấp, cũng có năm cây ngô bị mất mùa do nắng nóng kéo dài, dẫn đến đời sống bà con rất khó khăn.

           

Người dân bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ) thu hoạch nhãn.

           

Năm 2016, chủ trương của tỉnh về chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất dốc sang trồng cây ăn quả đã mở ra một hướng tìm cây trồng phù hợp cho vùng đất này. Vốn có lợi thế về đất đai, đồi có độ dốc vừa phải, nguồn nước tương đối ổn định từ suối Quanh, nên Chi bộ, Ban quản lý bản và các đoàn thể trong bản Suối Quanh đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng cây ăn quả. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả; kỹ thuật ghép bằng các giống chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, tỉa cành, tạo tán, sử dụng phân ủ hoai mục từ các phế phẩm nông nghiệp... Đặc biệt, 13 hộ nghèo của bản được hỗ trợ trên 1.500 cây nhãn giống và xoài giống để phát triển sản xuất. Diện tích cây ăn quả mỗi năm được mở rộng hơn, đến nay, đã có trên 136 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, xoài Đài Loan, cam Vinh, cam đường canh... Đến thời điểm này, 127 ha cho thu hoạch trên 600 tấn quả các loại mỗi năm.

           

Nhờ việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năm thứ 3 các vườn nhãn, xoài, cam đã cho thu hoạch, còn những vườn tạp được ghép giống mới thì năm thứ 2 cho thu hoạch. Nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo từ trồng cây ăn quả, điển hình như: Gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, trồng 15 ha cam, bưởi, xoài, nhãn, vụ năm 2020 cho thu hoạch hơn 200 tấn quả các loại. Gia đình ông Nguyễn Hưng Long, trồng 5 ha xoài tượng da xanh, cho thu hoạch 16 tấn. Anh Đinh Công Nghị chuyển đổi 1 ha trồng sắn sang trồng hơn 1.200 cây nhãn, nhờ chăm sóc tốt năm thứ 2 đã bói quả.

           

Vườn cây ăn quả của anh Phạm Ngọc Oánh, bản Suối Quanh được trồng trên sườn đồi có độ dốc thoải và thiết kế theo hàng, thuận tiện cho việc chăm sóc. Anh Oánh chia sẻ: Năm 2016, gia đình đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để trồng trên 2,2 ha xoài Đài Loan và cải tạo ghép gần 1,5 ha nhãn. Cây ăn quả phát triển tốt, vụ vừa rồi cho thu hoạch hơn 28 tấn xoài, 16 tấn nhãn, trừ chi phí gia đình thu về gần 200 triệu đồng. Tuy giá bán thấp hơn mọi năm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, với xoài 5.000 đồng/kg, nhãn 8.000 đồng/kg, cây ăn quả vẫn hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây ngô, sắn.

           

Ông Trần Văn Bình, Bí thư Chi bộ bản Suối Quanh, cho biết: Đến nay bản có 67 hộ, 250 nhân khẩu. Nhờ phát triển cây ăn quả, thu nhập bình quân đầu người của bản hiện nay là 25 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 13%. Thời gian tới, bản tiếp tục vận động người dân ổn định diện tích cây ăn quả hiện có để tập trung thâm canh, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; trồng cây ngắn ngày dưới tán cây ăn quả chưa khép tán, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích gieo trồng.

           

Thực tế cho thấy, phát triển cây ăn quả ở bản Suối Quanh đã mở ra triển vọng đối với kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Để duy trì và phát triển diện tích cây ăn quả có nâng cao năng suất, chất lượng, bản Suối Quanh đang cần sự hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững cho người dân.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới