Tô Múa duy trì và phát triển diện tích cây chè

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tô Múa, huyện Vân Hồ đã duy trì và phát triển diện cây chè, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân.

 

Người dân xã Tô Múa (Vân Hồ) thu hoạch chè.

 

Với điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, cây chè đã bám rễ và phát triển trở thành loại cây trồng chủ lực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của bà con nông dân xã Tô Múa. Ông Hà Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, xã đã trồng mới 53 ha, nâng tổng diện tích chè của xã lên gần 480 ha, năng suất đạt hơn 10 tấn/ha/năm, tổng sản lượng gần 5.000 tấn, doanh thu đạt 40,5 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu chủ yếu của người dân địa phương. Sản phẩm chè búp tươi được Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè Tô Múa và Công ty Cổ phần đầu tư và sản xuất chè Tô Múa bao tiêu sản phẩm.

 

Để duy trì và phát triển diện tích chè, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện chủ trương lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để hỗ trợ nhân dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, lấy sản xuất hàng hóa làm mục tiêu gắn với nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm.

 

Cùng với đó, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây chè phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, cho năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, xã tăng cường chỉ đạo Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông xã, bản hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ cao theo quy trình VietGAP, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn người dân đốn tỉa, làm cỏ, bón phân hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân vô cơ, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo guyên tắc “4 đúng”, để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng. Khuyến khích người dân giảm dần diện tích trồng ngô, cây lúa và những cây trồng khác trên đất dốc kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây chè và cây ăn quả. Đồng thời, hướng dẫn các hộ tiếp tục đầu tư thâm canh, cải tạo những diện tích chè già cỗi, năng suất thấp bằng giống chè lai cho năng suất, chất lượng cao như chè Kim Tuyên, Shan Tuyết mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị trên diện tích đất canh tác. Nếu như năm 2019, giá trị sản xuất cây chè đạt 100 triệu đồng/ha thì năm 2020 tăng lên 120 triệu đồng/ha. 

 

Là hộ có diện tích chè lớn nhất xã, anh Nguyễn Văn Thủ, bản Liên Hưng, cho biết: Ngày trước, cây chè chưa trở thành sản phẩm hàng hóa thì việc trồng và chăm sóc manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Hiện nay, cây chè đã được thay thế bằng những giống có năng suất, chất lượng, được chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP nên sản phẩm chè làm ra đảm bảo thơm ngon, được nhiều người biết đến, chè búp tươi luôn được các công ty, hợp tác xã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, nhà tôi có 3 ha chè, mỗi năm đồi chè cho thu hoạch 7-8 lứa, mỗi lứa khoảng 15 tấn chè búp tươi, thu khoảng 60 triệu đồng/lứa. Như vậy, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng/năm, trừ chi phí cũng lãi trên 350 triệu đồng. Nhờ cây chè mà đời sống của gia đình cũng được cải thiện hơn rất nhiều.

 

Để cây chè tiếp tục phát triển là cây chủ lực, xã Tô Múa đang quy hoạch thành từng vùng sản xuất hàng hoá tập trung với quy trình sạch, an toàn. Thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật thâm canh, trồng, chăm sóc, thu hái và vận chuyển, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng chè. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích người dân tham gia vào HTX để mở rộng vùng nguyên liệu gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, xã Tô Múa trồng mới 40 ha chè, nâng sản lượng chè đạt 12.000 tấn/năm, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới