Tăng cường bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông

Hiện đợt không khí lạnh đang tăng cường, thời tiết rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp khiến đàn gia súc giảm sức đề kháng, có nguy cơ mắc dịch bệnh và chết rét. Huyện Vân hồ đã triển khai các biện pháp tăng cường bảo vệ đàn gia súc, hạn chế thấp thấp những thiệt hại có thể xảy ra.

Người dân xã Tô Múa thực hiện nuôi nhốt và dự trữ thức ăn để bảo vệ đàn gia súc.

 

Toàn huyện Vân Hồ hiện có trên 9.000 con trâu, gần 3.000 con bò sữa, hơn 30.000 con bò thịt, gần 39.000 con lợn trên 2 tháng tuổi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ đã chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc; phối hợp với UBND các xã chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông xã, bản tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn, phổ biến cho bà con nông dân thu gom các loại cỏ, rơm, thân lá cây ngô và các phụ phẩm nông nghiệp, nhất là thu hoạch cỏ voi để ủ chua hoặc phơi khô để làm thức ăn dự trữ, tăng cường sức đề kháng cho gia súc; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi không thả rông gia súc, gia cố chuồng trại, tận dụng chăn, vải, bạt cũ để che chắn chuồng trại, ủ ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp và luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ để phòng, chống các bệnh trong mùa đông... Thường xuyên kiểm tra đôn đốc các xã, thực hiện nghiêm túc tiến độ tiêm phòng; cán bộ thú y các xã thống kê, rà soát lập danh sách đàn vật nuôi thuộc diện phải tiêm ở từng bản, từng hộ; phổ biến lịch tiêm phòng cụ thể và các quy định liên quan để người dân chủ động hợp tác và thực hiện. Đồng thời, huyện phối hợp với Chi cục Thú y mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người chăn nuôi; hướng dẫn, giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; hướng dẫn thú y viên các xã các các biện pháp phòng, trị bệnh cho đàn gia súc và cách khoanh vùng dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn xã, không để bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lây lan ra diện rộng.

Theo ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Những năm trước, việc gia súc chết rét một phần do khí hậu lạnh giá khắc nghiệt, nhưng chủ yếu vẫn bởi người dân chưa chăm sóc tốt, chưa tiêm phòng đầy đủ, định kỳ, chưa chủ động tạo nguồn thức ăn dự trữ một cách khoa học khiến vật nuôi thiếu ăn không đủ sức đề kháng, giảm khả năng chống chịu với diễn biến bất thường của thời tiết. Năm nay, Phòng đang tập trung phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện theo dõi, cập nhật và thông tin kịp thời diễn biến của thời tiết, các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang xuất hiện tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn hai xã Chiềng Khoa và Tô Múa để người dân các xã được biết và chủ động phòng chống. Ngoài ra, còn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình các loại dịch bệnh trên đàn gia súc để phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn, như: Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng... Bên cạnh đó, Phòng còn chỉ đạo các xã khuyến khích người dân trồng cỏ voi, trồng ngô vụ đông để tăng thêm nguồn thức ăn cho gia súc; tổ chức cho người dân ký cam kết không thả rông gia súc, không để xảy ra dịch bệnh...

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tiêm phòng gần 38.000 liều vắc xin phòng bệnh huyết trùng trâu bò; 7.930 liều vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn; 30.175 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò; vắc xin phòng dại 6.500 liều; phun 1.588 lít hóa chất vệ sinh tiêu độc, khử trùng cho hơn 2.200.000 m² tại 14 xã. Riêng trong Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, Trung tâm đã huy động trên 8.000 lượt người tham gia vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, nơi công cộng, đường bản, tiểu khu.

Với những biện pháp tích cực của huyện Vân Hồ và sự chủ động của các hộ chăn nuôi, Vân Hồ cố gắng hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại đàn gia súc do dịch bệnh và thời tiết gây ra, để giúp các hộ chăn nuôi tránh bị thiệt hại về kinh tế.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới