Khai thác những thuận lợi về điều kiện tự nhiên với đồi dốc đá, bãi cỏ tự nhiên, những năm gần đây, nhân dân bản Bó, xã Suối Bàng (Vân Hồ) đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi dê hàng hóa, mở ra triển vọng làm giàu cho người dân địa phương.
Nông dân bản Bó, xã Suối Bàng (Vân Hồ) phát triển chăn nuôi dê.
Chúng tôi đến thăm khu nuôi dê của gia đình anh Mùi Văn Khánh, một trong những hộ nuôi dê đầu tiên trong bản Bó. Tâm sự về câu chuyện nuôi dê, anh Khánh nói: Năm 2014, gia đình tôi bắt đầu nuôi dê, với số vốn ban đầu 20 triệu đồng, tôi đã làm chuồng rộng khoảng 20 m² và mua 8 con dê giống về nuôi. Nuôi dê cũng không quá vất vả, vì đây là loài vật ít bệnh, ăn tạp, sinh sản nhanh. Hình thức nuôi chủ yếu là vừa nuôi nhốt kết hợp chăn thả. Đàn dê nhanh lớn, thịt dê đảm bảo chất lượng, được khách hàng ưa chuộng. Mỗi năm gia đình tôi bán hơn 20 con dê thịt và 10 con dê giống, thu từ 50 - 60 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi về việc phát triển kinh tế gia đình từ nuôi dê, ông Mùi Văn Khứu, bản Bó cho biết: Nuôi dê lãi nhiều hơn so với các vật nuôi khác. Hiện, gia đình tôi đang nuôi hơn 30 con dê, mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 6 tạ dê thương phẩm. Với giá bán từ 120 - 150 nghìn đồng/kg, gia đình thu hơn 50 triệu đồng/năm. Từ kết quả trên, tôi đã chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê với bà con trong bản nhất là việc làm chuồng trại đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt.
Thực tế cho thấy, mô hình nuôi dê lấy thịt ở bản Bó mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ban đầu bản chỉ có vài hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, nhận thấy dê dễ chăm sóc, nguồn thức ăn có sẵn dồi dào, và lại phù hợp với vùng đồi núi, vì vậy nhiều hộ đã đầu tư chăn nuôi dê. Người dân trong bản đã dùng lưới quây lại theo từng khu vực để chăn thả đàn dê, sau khi dê ăn hết cỏ khu vực này, tiếp tục quây lưới ở khu vực khác, làm như vậy vừa bảo vệ đàn dê và dê không phá hoại hoa màu. Dê giống được bà con lựa chọn chủ yếu là giống dê địa phương, thích nghi với thời tiết, ít dịch bệnh, dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc và tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương. Đến nay cả bản có 25/58 hộ nuôi dê, duy trì đàn dê hơn 300 con, hộ ít thì nuôi 4-5 con, nhiều hộ có đàn dê lên tới 30-40 con... Hằng năm, xuất bán ra thị trường trên 4 tấn thịt hơi. Từ nuôi dê, nhiều hộ đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu.
Theo Trưởng bản Mùi Văn Thiên, so với các loại vật nuôi khác, nuôi dê ở bản Bó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, do chi phí đầu tư ban đầu ít, không tốn nhiều tiền mua thức ăn, khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt. Chuồng trại nuôi dê có thể tận dụng chuồng bò, chuồng lợn cũ rồi quây lưới, làm dát tre, bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Một năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con, chỉ 4 tháng có thể xuất bán. Hơn nữa, giá thịt dê thương phẩm tương đối ổn định, nhu cầu tiêu thụ của thị trường khá lớn. Điều kiện thuận lợi là dê ở Bó không chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện mà còn được nhiều thương lái từ một số huyện trong và ngoài tỉnh đến mua, do vậy người dân trong bản không phải lo đầu ra khi đầu tư chăn nuôi dê.
Nuôi dê hàng hóa ở Bó đã đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong bản, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện nay việc chăn nuôi dê mang tính tự phát, chủ yếu là chăn thả tự nhiên. Do vậy, bà con trong bản rất mong được cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để có điều kiện phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!