Những nông dân tiêu biểu ở Vân Hồ

Dám nghĩ, dám làm, thay đổi tư duy sản xuất, nhiều hộ nông dân ở huyện Vân Hồ đã vươn lên làm giàu với thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Những tỷ phú, triệu phú nông dân đã chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

                                 

Anh Nguyễn Văn Tiến, bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ) chăm sóc vườn cam.

           

Anh Nguyễn Văn Tiến, bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân là người tiên phong đưa cây cam, bưởi về Chiềng Xuân và cải tạo những cây nhãn giống địa phương cho năng suất cao. Chia sẻ về cách làm giàu, anh Tiến tâm sự: 10 năm trước, trồng cây ngô và một số loại cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả, tôi đầu tư trồng cây ăn quả. Tôi cùng một số hộ dân về huyện Cao Phong, tỉnh  Hòa Bình, khảo sát và so sánh mức độ phù hợp về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên đồng đất Chiềng Xuân. Chúng tôi liên kết thành lập HTX nông nghiệp Tiến Thành, với 8 thành viên, trồng các loại cây cam, bưởi, quy mô ban đầu là 10 ha. Rồi vào huyện Sông Mã học cách ghép, cải tạo cây nhãn, về áp dụng vào thực tế và đã thành công.

           

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, 10 ha cam của HTX đã cho thu hoạch, chất lượng tốt, tạo động lực để từng bước mở rộng quy mô diện tích trồng cây ăn quả. Đến nay, riêng gia đình anh Tiến đã có trên 15 ha cam, nhãn, bưởi, trong đó 5 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, với sản lượng trên 200 tấn quả/năm, trừ chi phí sản xuất, mỗi năm, gia đình anh Tiến thu khoảng 2 tỷ đồng. Gia đình anh còn tạo việc làm cho 10 người dân địa phương, với mức tiền công là 170 nghìn đồng/ngày. Mô hình vườn cây ăn quả của gia đình anh Tiến đã và đang được nhiều hộ dân trong bản, trong xã đến học và làm theo, góp phần đưa tổng diện tích cây ăn quả của xã lên gần 500 ha và trở thành “vựa” quả của huyện Vân Hồ.

           

Còn ông Vũ Văn Chắc, bản Co Súc, xã Song Khủa, lại lựa chọn làm giàu từ mô hình chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng. Ông chia sẻ: Việc phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi là quan trọng nhất; vì vậy, hàng tuần, tôi đều vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rắc vôi bột trên lối ra, vào chuồng chăn nuôi. Chuồng trại chăn nuôi đảm bảo tiêu chí thoáng mát vào mùa hè, kín gió vào mùa đông. Thời gian đầu, tôi nuôi 15 con trâu, bò, rồi tăng lên gần 40 con. Đàn vật nuôi được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục. Ngoài ra, xây dựng hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, không để ảnh hưởng đến môi trường, tạo chất đốt hàng ngày. Mỗi năm, gia đình thu gần 400 triệu đồng từ tiền bán trâu, bò. Bên cạnh đó, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương.

           

Rời xã Song Khủa, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của cựu chiến binh Hà Kim Soạn, ở bản Đoàn Kết, xã Chiềng Khoa. Năm 2015, ông Soạn đầu tư mua giống cây cam Vinh, cây quýt về trồng trên diện tích hơn 1 ha đất nương đồi của gia đình. Đất không phụ công người, do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn cây ăn quả phát triển tốt, chỉ 3 năm sau đã cho thu hoạch 5 tấn quả. Các vụ sau, sản lượng đạt từ 10-15 tấn quả, thu từ 100-150 triệu đồng. Hiệu quả từ mô hình vườn cây ăn quả của gia đình ông Soạn đã lan tỏa đến người dân xã Chiềng Khoa. Nhiều hộ chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả và được ông Soạn chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp chăm sóc cây trồng với bà con. Đến nay, xã Chiềng Khoa đã có trên 300 ha cam Vinh, quýt, nhãn chín muộn, bơ..., nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

           

Bà Hà Thị Thân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Hồ, thông tin: Huyện Vân Hồ hiện có trên 2.500 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu”. Họ không chỉ tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm giàu cho gia đình, mà còn tạo được sự lan tỏa, giúp bà con nông dân trong huyện thay đổi tư duy, tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới