Những năm gần đây, người dân xã Tân Xuân (Vân Hồ) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nổi bật là việc tận dụng mặt nước lòng hồ thủy điện Trung Sơn để nuôi cá lồng, mở ra hướng đi mới cho các hộ dân sinh sống vùng lòng hồ.
Mô hình nuôi cá lồng của anh Lường Văn Tuyển, bản Đông Tà Lào, xã Tân Xuân.
Năm 2014, Thủy điện Trung Sơn tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa bắt đầu tích nước, mặt hồ mở rộng đến các vùng lân cận, trong đó có địa bàn xã Tân Xuân. Hai bản Tây Tà Lào và Đông Tà Lào là khu vực có người dân sống cạnh lòng hồ thủy điện nên người dân đã học thêm cách đánh bắt cá, tôm để cải thiện đời sống. Khi nước ở lòng hồ ổn định, năm 2017, một số hộ dân tại hai bản đã bắt đầu học hỏi cách nuôi cá lồng và được sự hỗ trợ của huyện để triển khai phát triển kinh tế.
Các hộ đã liên kết thành lập 2 hợp tác xã nuôi cá lồng. Anh Lò Văn Tuyển, Giám đốc Hợp tác xã Đông Tà Lào cho biết: Hợp tác xã có 10 hộ thành viên, nuôi 50 lồng cá; các hộ ở đây đều được cán bộ chuyên môn huyện tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ một số lồng nuôi cá, tạo thuận lợi để các thành viên hợp tác xã có điều kiện phát triển mô hình. Hiện tại, hợp tác xã đang nuôi các loại cá: Trắm cỏ, rô phi, cá dầm xanh... tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình.
Anh Lường Văn Tuyển, thành viên Hợp tác xã Đông Tà Lào, cũng là người đầu tiên khởi xướng nghề nuôi cá lồng ở xã Tân Xuân chia sẻ: Nuôi cá lồng quan trọng nhất là phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc cá ở từng giai đoạn; thức ăn cho cá là các loại lá cây, rau, cỏ tự nhiên nên không tốn kém chi phí. Giá trị nhất là loài cá dầm xanh, loại cá này thích nghi và phát triển rất tốt với điều kiện nước và khí hậu ở Tân Xuân, giá bán tại chỗ thường giao động từ 180.000-200.000 đồng/kg. Cá dầm xanh chắc thịt, ăn có vị ngọt và thơm nên không có đủ để bán cho khách hàng. Với 20 lồng cá, mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 40 triệu đồng từ bán cá.
Khu lòng hồ thủy điện Trung Sơn tại xã Tân Xuân có lợi thế nguồn nước sạch và ổn định. Đây là điều kiện rất tốt để phát triển nghề nuôi cá lồng. Chính vì vậy, huyện Vân Hồ và xã Tân Xuân đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng liên kết hợp tác mở rộng quy mô sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng để xã biên giới Tân Xuân tận dụng và phát huy lợi thế địa phương trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!