Sau hơn 7 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Liên Hòa (Vân Hồ) mới hoàn thành được 8/19 tiêu chí, trong đó, tiêu chí thu nhập bình quân mới đạt 17,5 triệu đồng/người/năm. Đây chính là tiêu chí khó thực hiện nhất trong điều kiện xã vùng đặc biệt khó khăn, nhưng Liên Hòa đang nỗ lực thực hiện.
Người dân xã Liên Hòa (Vân Hồ) phát triển cây măng tây.
Đến thăm gia đình anh Mùi Văn Hát, bản Nôn, là hộ đầu tiên phát triển mô hình trồng cây măng tây trên địa bàn xã. Anh Hát, cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng và những chuyến tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm ở những vùng đã trồng cây măng tây, tôi thấy rõ hiệu quả kinh tế từ loại cây này nên vào giữa năm 2018, gia đình đã cải tạo diện tích ruộng 1 vụ để trồng cây măng tây. Là giống cây phù hợp với khí hậu, đất đai ở đây và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tính riêng từ đầu năm đến nay, gia đình đã thu hơn 3 tấn sản phẩm, với giá bán ổn định từ 50-60 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu về trên 120 triệu đồng.
Còn gia đình anh Ngần Văn Thư, bản Suối Nậu là một trong những hộ trồng cây gai xanh với quy mô lớn ở xã. Được biết, trước đây, gia đình anh có hơn 1 ha đất trồng ngô, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Đầu năm 2018, được xã vận động gia đình anh chuyển sang trồng cây gai xanh giống AP1 do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước cung cấp. Với 1 ha cây gai xanh trồng năm thứ 3, gia đình anh đã thu hoạch 5 đợt, được 3 tấn vỏ cây gai khô, cùng với đó duy trì phát triển chăn nuôi lợn, gà, mỗi năm gia đình anh thu trên 150 triệu đồng.
Được biết, với quan điểm xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, đa canh, đa sản phẩm. Với lợi thế về đất sản xuất nông nghiệp có trên 1.600 ha, các hộ dân trong xã đã trồng hơn 350 ha ngô lai chịu hạn, sản lượng đạt gần 1.800 tấn; 26 ha lúa chiêm xuân, năng suất 6,5 tấn/ha; hơn 38 ha chanh leo, năng suất bình quân đạt hơn 20 tấn/ha, với giá thu mua trung bình 6.000 đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trong xã... Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây ăn quả, cây gai xanh và măng tây, nhiều hộ trên địa bàn đã chuyển đổi sang trồng những loại cây này. Đến nay, diện tích cây gai xanh đã phát triển lên gần 90 ha, sản lượng bình quân trên 390 tấn vỏ khô/năm; 17 hộ dân trong xã trồng và chăm sóc 2 ha cây măng tây, cho thu hoạch gần 5 tấn măng/vụ; hơn 50 ha bưởi da xanh đang phát triển tốt, hiện đã có một số vườn cho quả bói.
Bên cạnh đó, xã còn định hướng cho người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại tập trung. Hiện, xã duy trì và phát triển hơn 2.450 con trâu, bò; 1.600 con lợn trên 2 tháng tuổi; hơn 11.000 con gia cầm các loại. Các hộ dân còn trồng 12 ha cỏ, tạo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò. Cán bộ thú y xã thường xuyên hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Mặt khác, từ khi tuyến đường vào xã được nâng cấp, giao thông thuận lợi, thu hút nhiều hộ tiểu thương tham gia kinh doanh, buôn bán tại trung tâm xã và các bản với đầy đủ các mặt hàng, phục vụ đời sống người dân, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với người dân trong xã khi phát triển các mô hình kinh tế là thiếu nguồn vốn. Để giải quyết vấn đề này, các tổ chức đoàn thể xã đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho trên 600 hộ dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, với tổng dư nợ trên 29 tỷ đồng. Trong năm 2019, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp thuộc Chương trình 135 đã cấp phát giống cho 15 hộ dân các bản Lắn, Tường Liên, Liên Hợp trồng hơn 5 ha cây chanh leo. Cùng với đó, xã còn phối hợp với Trường Cao đẳng Nông lâm Sơn La, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân.
Cùng với mục tiêu phấn đấu đạt các tiêu chí còn lại, xã Liên Hòa tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phát huy nguồn nội lực, khai thác lợi thế về đất đai để phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình dự án, sự đóng góp của người dân để hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất. Đồng thời, quan tâm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để họ vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững, phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn về tiêu chí thu nhập.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!