Khoang Tuống giữ rừng

Từ nhiều năm nay, qua công tác tuyên truyền, vận động, đồng bào dân tộc Mường ở bản Khoang Tuống, xã Suối Bàng (Vân Hồ) hiểu được, giữ rừng là giữ nước, hạn chế xói mòn, sạt lở đất, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Bà con trong bản đã thống nhất xây dựng hương ước, quy ước về việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng..., vì vậy, hơn 1.860 ha rừng mà bản Khoang Tuống được giao quản lý luôn xanh tốt, không xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng làm nương và khai thác lâm sản trái phép.

Tổ bảo vệ rừng bản Khoang Tuống, xã Suối Bàng (Vân Hồ) tuần tra bảo vệ rừng.

 

Ðể chứng minh cho những kết quả tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, Trưởng bản Mùi Văn Bảo dẫn chúng tôi đi vào những cánh rừng do bản quản lý. Vừa đi, ông vừa nói: Diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh giao cho Khoang Tuống quản lý, bảo vệ từ năm 1999. Cũng nhờ làm tốt công tác giữ rừng, phòng cháy chữa cháy, nên rừng ở đây vẫn duy trì được đa dạng sinh học, với rất nhiều loại cây, như: Nghiến, sến, trẩu, thổ lộ, tre, nứa…; nhiều cây gỗ rất to, cao vài chục mét được bà con trông coi cẩn thận. Không chỉ thế, những cánh rừng còn mang lại cho bản nguồn nước dồi dào, phục vụ tốt sinh hoạt, sản xuất, hạn chế xói mòn, sạt lở đất... 

 

Ðược biết, để làm giữ rừng tốt, Ban quản lý bản đã thành lập tổ bảo vệ rừng gồm 30 thành viên, năm nào tổ cũng được Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ tập huấn công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ thường xuyên phối hợp làm công tác tuần tra, bố trí nhân lực phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa. Bên cạnh đó, bản cũng tổ chức họp dân, giao nhiệm vụ cho tất cả 152 hộ dân trong bản cùng quản lý, bảo vệ rừng; thống nhất quy định rõ trong hương ước, quy ước của bản là khi có cháy rừng, cả bản đều phải tham gia chữa cháy; nghiêm cấm mọi hành vi chặt phá rừng, nếu hộ gia đình hay cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm, vi phạm lớn thì báo cáo xã, kiểm lâm địa bàn để xử lý theo đúng quy định của pháp luật…

Tổ bảo vệ rừng bản Khoang Tuống phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa.

 

Ở Khoang Tuống này, bà con còn sử dụng nguồn vốn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để phục vụ trở lại công tác quản lý, bảo vệ rừng và nhiều công việc khác. Ví dụ năm 2019, được chi trả hơn 500 triệu đồng, bản đã tổ chức họp, thống nhất trích 30% mua trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng, đèn pin, giày dép, mũ bảo hiểm và chi bồi dưỡng các thành viên trong tổ bảo vệ rừng (mỗi người được trả 150-250 nghìn đồng/ngày), tổ chức chấm công chặt chẽ để đảm bảo công bằng; 30% phục vụ công tác phát triển rừng và 40% còn lại sử dụng vào việc chung của bản như làm đường giao thông, mua sắm loa, đài, bàn ghế trang bị cho nhà văn hóa bản, hỗ trợ các hoạt động văn nghệ, thể thao vào các dịp lễ, tết... Bản cũng luôn phối hợp với các đoàn thể của xã, bản tổ chức các buổi họp dân tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng, tuyên truyền phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức cho nhân dân tham gia phát dọn các tuyến đường băng cản lửa, bảo đảm khoảng cách an toàn giữa rừng và nương rẫy, nơi ở của người dân; tổ chức ký cam kết với từng hộ về việc đốt nương rẫy an toàn, đúng giờ quy định; hướng dẫn cho người dân nắm rõ các quy trình, hiệu lệnh báo cháy rừng bằng xatrống, kẻng, loa truyền thanh... Đặc biệt, mùa trồng rừng vừa qua, bản trồng thêm hơn 8 ha rừng xoan, trẩu, lát...

 

Tâm đắc với cách giữ rừng của bản Khoang Tuống, ông Lò Cầm Hoàng, Chủ tịch UBND xã Suối Bàng đánh giá: Từ ý thức bảo vệ rừng của nhân dân được nâng lên, mà nhiều năm nay trên địa bàn không để xảy ra cháy rừng; không còn hiện tượng chặt phá rừng bừa bãi, khai thác lâm sản trái phép; hương ước, quy ước giữ rừng của bản được các thành viên thực hiện nghiêm túc. Chúng tôi đánh giá rất cao tính hiệu quả của việc toàn dân bảo vệ rừng ở Khoang Tuống và xem đây là mô hình tốt, kinh nghiệm hay cần được chia sẻ, nhân rộng.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới