Với mục đích “Giữ gìn, bảo tồn và phát triển, dân ca, nhạc cụ dân tộc Mông”, tháng 10/2020, Câu lạc bộ (CLB) dân ca, nhạc cụ dân tộc Mông Vân Hồ được thành lập, gồm những nghệ nhân, người yêu văn hóa dân tộc Mông tại 2 xã Lóng Luông, Vân Hồ. Tuy thành lập chưa lâu, nhưng CLB đã góp phần giữ gìn, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc Mông đến du khách gần xa.
Thành viên CLB dân ca, nhạc cụ dân tộc Mông Vân Hồ biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lầu A Tồng, Chủ nhiệm CLB dân ca, nhạc cụ dân tộc Mông Vân Hồ, chia sẻ: Dân tộc Mông có nhiều nét văn hóa truyền thống, có nhiều loại nhạc cụ hay, được ông cha lưu truyền cho con cháu qua nhiều đời nay. Tuy nhiên, nhiều nét văn hóa đặc sắc đó đang dần bị mai một. Để gìn giữ, duy trì các loại nhạc cụ dân tộc, các bài dân ca truyền thống của dân tộc Mông, một số nghệ nhân và những người yêu văn hóa Mông đã họp bàn, thống nhất thành lập CLB dân ca, nhạc cụ dân tộc Mông Vân Hồ. Hiện nay, CLB có 25 thành viên, đều là những người đam mê, yêu thích ca múa, nhạc, biết dùng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc Mông và một số nhạc cụ của các dân tộc khác... Hằng tháng, CLB sinh hoạt 3 lần/tháng, khuyến khích các thành viên trau dồi kinh nghiệm, giao lưu chia sẻ kỹ năng sử dụng các nhạc cụ.
Sau khi thành lập, CLB đã đăng ký nhiều tiết mục biểu diễn, phục vụ tại các Homestay trên địa bàn, tham gia cùng xã tổ chức các lễ hội, các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Trong đó, có khu du lịch Vân Hồ Ecolodge, Homestay A Chu, Homesatay A Nhà, Nhà hàng cá hồi Chiềng Đi... nhiều tiết mục hay được CLB trình diễn, như: Múa lên nương; hát giao duyên tỏ tình; múa “vợ chồng A Phủ”; nhảy tha khèn; thổi kèn lá; kéo nhị... mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Vào các ngày lễ, hay các dịp cuối tuần, có đông khách du lịch đến tham quan tại các điểm du lịch có nhu cầu giao lưu, CLB đều tham gia. Số tiền thu được từ các hoạt động giao lưu, CLB dùng để gây quỹ hoạt động, thăm hỏi động viên các thành viên có hoàn cảnh khó khăn hay ốm đau.
Biết dùng thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc Mông, nghệ nhân kéo nhị Tráng A Khai, bản Hua Tạt, cho biết: Tôi tham gia CLB, ngoài mục đích gìn giữ các dòng dân ca, nhạc cụ dân tộc Mông, còn để hướng dẫn thế hệ trẻ học thêm các loại nhạc cụ, dân ca của dân tộc, góp phần phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông và giới thiệu tới du khách đến tham quan du lịch tại địa phương. Với tinh thần học hỏi, sự nhiệt huyết, đam mê, các loại nhạc cụ dân tộc Mông, em Tráng A Đằng, bản Lóng Luông, chia sẻ: Em yêu thích các loại nhạc cụ dân tộc Mông, đặc biệt là khèn vì đó là nhạc cụ đặc trưng và thể hiện được sự khéo léo, lời tỏ tình của các chàng trai dân tộc Mông.
Trong thời gian tới, CLB chuẩn bị mở các cuộc thi giao lưu văn nghệ, thổi các loại nhạc cụ dân tộc Mông nhân dịp năm mới, mừng Đảng, mừng Xuân. Cùng với đó, mở lớp học mời các nghệ nhân các loại nhạc cụ các khu vực về truyền dạy cách thổi các loại nhạc cụ cho thế hệ trẻ, tìm ra những nhân tố có năng lực tham gia CLB tạo thêm nhiều thể loại nhạc cụ vừa mang tính truyền thống, vừa hiện đại với thế hệ trẻ.
Những nỗ lực của CLB dân ca, nhạc cụ dân tộc Mông Vân Hồ trong các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương, không những giữ gìn các loại nhạc cụ, dân ca của dân tộc Mông mà còn góp phần quảng bá hình ảnh khu du lịch của xã Vân Hồ nói riêng và huyện Vân Hồ nói chung thêm đa sắc màu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!