Đổi thay ở vùng quê cách mạng Mường Tè

Phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Mường Tè (Vân Hồ) luôn xác định công tác xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm. Từ đó đề ra các kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể, tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

                                

Một góc trung tâm xã Mường Tè (Vân Hồ) hôm nay.

           

Về Mường Tè lần này, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông Đinh Công Nia, 75 tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã giai đoạn 1980 - 2005. Ông Nia kể: Giai đoạn trước năm 2000, Mường Tè còn nhiều khó khăn, kinh tế phát triển chậm, chủ yếu tự cung, tự cấp, năng suất lao động thấp, đời sống nhân dân còn nghèo, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Trước những khó khăn đó, Đảng bộ đã lãnh đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên cùng với nhân dân đẩy mạnh thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng đời sống mới. Ngày nay, các đảng viên được bồi dưỡng, đào tạo bài bản, được trang bị kiến thức và phát huy truyền thống thế hệ đi trước, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, cùng với bà con xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.

           

Năm 1955, sau khi chia tách vùng Mộc Hạ, xã Mường Tè trở thành một xã riêng. Năm 1956, Chi bộ Mường Tè được thành lập với 5 đảng viên. Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, với quan điểm Đảng mạnh mới đủ sức tập hợp, lãnh đạo quần chúng, Đảng ủy xã Mường Tè đã tập trung cao cho công tác phát triển Đảng, quan tâm bồi dưỡng nhân tố tích cực, đặc biệt là các đối tượng trẻ, có năng lực, trình độ trong quần chúng để tạo nguồn cho Đảng; từng bước nâng cao chất lượng và tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong các phong trào, mô hình phát triển kinh tế... Hiện nay, Đảng bộ xã có 274 đảng viên sinh hoạt ở 12 chi bộ (8 chi bộ bản) đã thực sự là những hạt nhân trong lãnh đạo làm đổi thay quê hương.

           

Đồng chí Hà Văn Soái, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Đảng ủy xã phân công các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã về dự sinh hoạt tại các chi bộ để nắm bắt những công việc mà chi bộ đã làm được trong tháng và những việc chưa làm được, chỉ rõ trách nhiệm của từng đảng viên phụ trách nhiệm vụ được giao nhưng chưa hoàn thành, qua đó đề ra giải pháp khắc phục. Đồng thời, chỉ đạo các chi bộ, các đoàn thể quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện giúp đỡ đoàn viên, hội viên ưu tú có lý tưởng, nguyện vọng phấn đấu vào Đảng; thường xuyên rà soát, phát hiện những quần chúng ưu tú tích cực trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, đơn vị, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, trình độ làm nguồn để bồi dưỡng phát triển Đảng...

           

Từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ xã đã kết nạp được 25 đảng viên, nâng tổng số lên 274 đảng viên sinh hoạt ở 12 chi bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng, từ năm 2017 đến nay, Đảng bộ xã đã xét cử 13 đồng chí đi học lớp Trung cấp lý luận chính trị; 2 cán bộ đi học thạc sỹ, 14 cán bộ học đại học; cử nhiều cán bộ tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức, đảm bảo nguồn kế cận và thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

           

Trong phát triển kinh tế, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết lãnh đạo với những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, sát với thực tế địa phương; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm dần diện tích cây ngô và một số cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2020, nhân dân trong xã chuyển đổi hơn 50 ha lúa nương sang trồng cây ăn quả, nâng diện tích lên 260 ha nhãn, bưởi, bơ, xoài, cam... Khai thác mặt nước vùng lòng hồ sông Đà, bà con duy trì 24 lồng cá, sản lượng hơn 13 tấn/năm; phát triển hơn 5.000 con gia súc và gần 17.000 con gia cầm. Nhiều năm nay, người dân Mường Tè đã phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.

           

Bám sát nghị quyết phát triển kinh tế của Đảng bộ xã, các chi bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi phát triển kinh tế. Nhiều đảng viên đã tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đảng viên Lường Văn Sáng, Chi bộ bản Hào, là một điển hình trong phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 30 con lợn, hơn 2.000 con gà thương phẩm; chuyển đổi hơn 1 ha đất dốc trồng ngô sang trồng cây cam, nhãn, thu hơn 250 triệu đồng/năm. Hay đảng viên Đinh Công Chinh, Chi bộ bản Pơ Tào nuôi 8 lồng cá, trồng gần 1 ha bưởi da xanh, nuôi hơn 300 con gia cầm các loại, mỗi năm thu trên 200 triệu đồng.

           

Tuy vẫn còn những khó khăn, nhưng sự đổi thay của Mường Tè hôm nay có đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cùng với người dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng Mường Tè ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống của vùng quê cách mạng.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới