3 năm liên tục, huyện Yên Châu đứng đầu về chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS), khẳng định sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong thực hiện công tác cải cách hành chính, sự tận tụy, tận tâm của công chức, viên chức trong hoạt động chuyên môn được giao và thực hiện tốt đạo đức công vụ.
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Yên Châu
Chỉ số SIPAS là chỉ số để đo sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, thông qua công tác điều tra xã hội học để xác định chỉ số hài lòng, bao gồm: Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả dịch vụ công; kênh thông tin để biết về cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả dịch vụ công; kênh thông tin để tiếp cận các quy trình về thủ tục hành chính (TTHC); số lần đi lại để thực hiện dịch vụ công; công chức gây phiền hà, sách nhiễu; cơ quan trả kết quả đúng hẹn; cơ quan thông báo về sự trễ hẹn…
Hằng năm, huyện Yên Châu chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả nội dung các chỉ số; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo quy định của Chính phủ; nâng cao số lượng thủ tục hành chính liên thông; giảm thiểu đến mức không có hồ sơ quá hạn trong giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết các TTHC…
Ông Hà Như Huệ, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để có được sự hài lòng của người dân, UBND huyện đã tập trung cao cho công tác xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động, với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, “một người, một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Mặt khác, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về kết quả thực hiện CCHC tại đơn vị phụ trách.
Điểm nhấn trong thực hiện tốt công tác CCHC là Văn phòng UBND huyện và 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, quy định cụ thể về các loại công việc được áp dụng giải quyết tại cấp huyện và cấp xã. Tại đây, tất cả các loại hồ sơ, TTHC được công khai minh bạch về quy trình, thời gian giải quyết, phí, lệ phí, phiếu giao nhận, phiếu báo xử lý chậm.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp huyện đến xã đều được bố trí đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và công dân khi đến giải quyết các TTHC. Cùng với đó, phòng làm việc, cơ sở vật chất tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và các xã, thị trấn được bố trí đầy đủ, thuận tiện theo quy định. Các loại giấy tờ, hồ sơ đều được cán bộ, công chức, nhân viên tiếp nhận, thực hiện phân loại, thẩm định theo đúng quy định để chuyển đến các bộ phận chuyên môn giải quyết.
Năm 2020, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện và các xã, thị trấn đã tiếp nhận và giải quyết 100.244 hồ sơ; trong đó, giải quyết đúng hạn 99.788 hồ sơ; chưa đến hạn giải quyết 318 hồ sơ; từ chối, yêu cầu bổ sung 138 hồ sơ. Đặc biệt, huyện chỉ đạo nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đối với nhân dân, tổ chức đến giao dịch; trong giải quyết công việc, yêu cầu từng cán bộ, công chức nâng cao trách nhiệm, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết công việc.
Việc cải cách thể chế cũng được UBND huyện xây dựng và ban hành các quy định, quy chế hoạt động của cơ quan chuyên môn và UBND huyện. Công tác rà soát các loại văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được UBND huyện chỉ đạo thực hiện sát với tình hình thực tế. Huyện cũng đã tập trung triển khai thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND huyện Yên Châu nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và các tổ chức đến giao dịch. Với việc triển khai nhiều giải pháp, trong năm 2020, chỉ số cải cách hành chính của huyện được cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại tăng dần qua các năm. Năm 2015, huyện đứng thứ 9/12 huyện, thành phố; năm 2019 và năm 2020 vươn lên xếp thứ 2/12 huyện, thành phố trong tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, tiểu khu 6, thị trấn Yên Châu vừa làm xong thủ tục đăng ký lại giấy khai sinh tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện, phấn khởi cho biết: Được cán bộ hướng dẫn các thủ tục, chỉ sau 30 phút sau tôi đã nhận được kết quả.
Hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năm 2021, UBND huyện Yên Châu tiếp tục triển khai mở rộng cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nền hành chính công hiện đại.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!