Với ưu điểm trồng một lần, nhanh cho thu hoạch, khai thác trong nhiều năm và có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cây gai xanh mới được đưa vào trồng nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Xuân Nha (Vân Hồ).
Người dân bản Tưn, xã Xuân Nha (Vân Hồ) thu hoạch cây gai xanh.
Gai xanh là cây công nghiệp, chủ yếu trồng lấy vỏ để sản xuất thành nguyên liệu sợi may mặc, giấy... Điểm nổi bật của cây gai xanh là trồng một lần nhưng có thể cho thu hoạch 5-6 lứa/năm, thời gian khai thác của cây kéo dài trong khoảng 10 năm. Lá cây gai xanh còn sử dụng làm thức ăn cho gia súc hoặc nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm và bào chế dược liệu.
Theo ông Hà Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Xuân Nha: Xã đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và nhập khẩu An Phước (ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) đầu tư cây giống, vật tư cho người dân bằng hình thức vay trả chậm và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hiện cây gai xanh đã được trồng tại các bản Tưn, Nà Hiềng, Chiềng Nưa... với diện tích 7,3 ha, bước đầu đem lại nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho người dân, được người dân phấn khởi đồng tình hưởng ứng.
Vỏ cây gai xanh được tuốt thành sợi nhỏ
Tại khu đồi của gia đình ông Lò Văn Quán, cây gai xanh cao ngập đầu người đang được thu hoạch, chất thành từng đống và được đưa vào máy tuốt thành sợi gai xanh nhỏ, dài, mềm rồi đem ra khu vực phơi khô… Ngừng tay làm, ông Quán phấn khởi nói: Với 3.000 m2 đất đồi trồng cây gai xanh, mỗi lần thu hoạch, trừ chi phí gia đình lãi 4-5 triệu đồng/lứa. Mỗi lần thu hoạch xong, gốc cây lại đâm chồi, đẻ nhánh khỏe và phát triển nhanh, chỉ việc làm cỏ rồi bón phân 1 lần/lứa, mỗi lứa chỉ từ 40-45 ngày được thu hoạch. Cũng diện tích này, những vụ trước, cả năm chỉ trồng được một vụ lúa nương, thu hoạch không đủ ăn. Được Công ty cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và nhập khẩu An Phước cung ứng toàn bộ giống, vật tư, phân bón theo hình thức trừ dần trong 5 năm đầu và ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm với giá 40 nghìn đồng/kg nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất.
Gia đình anh Đinh Văn Xưởng, bản Nà Hiềng trước đây trồng lúa nương, nhưng năng suất thấp, rồi chuyển sang trồng cây ngô nhưng giá cả cũng bấp bênh, thu về không được bao nhiêu, thậm chí còn lỗ nên cuộc sống quanh năm vất vả. Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, rồi tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gai xanh, gia đình anh và nhiều người dân ở đây đã chuyển đổi diện tích đất đồi trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh. Anh Xưởng cho biết: Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây gai xanh của gia đình tôi phát triển rất tốt và đã cho thu hoạch được mấy lứa. Với gần 4.000 m2, cứ theo đà phát triển như hiện nay thì thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng/năm.
Vỏ cây gai xanh sau khi được tuốt thành sợi nhỏ sẽ đem ra phơi
Việc chuyển đổi các loại cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ở xã Xuân Nha bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, không những tận dụng được tối đa diện tích, phủ xanh đất trống mà đang là hướng đi phù hợp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp cùng với các hộ dân mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh phù hợp với quy mô, khả năng tiêu thụ để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!