Cách đây tròn 96 năm, ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đã xuất bản số đầu tiên, mở ra trang sử truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng trưởng thành và phát triển, khẳng định vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén, với sứ mệnh cao cả, trọng trách lớn lao, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.
Đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của nền báo chí cách mạng, 96 năm qua, đội ngũ những người làm báo luôn bám sát chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; tích cực truyền tải những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình, cách làm hay, những tấm gương người tốt, việc tốt; đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với bạn bè quốc tế.
Đội ngũ những người làm báo cũng luôn đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Nhiều phóng viên đã không quản gian khổ, hy sinh, tác nghiệp trong “mưa bom, bão đạn” của chiến tranh; dũng cảm đối mặt với hiểm nguy, thiên tai, bão lũ; kịp thời có mặt tại những vùng “tâm dịch”, “điểm nóng”; kiên định trước cám dỗ vật chất đời thường, tích cực tuyên truyền đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội... Cập nhật, phản ánh, thông tin đa dạng, nhiều chiều về các sự kiện, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là dịp để chúng ta ôn lại chặng đường phát triển và những thành tựu của nền báo chí nước nhà. Đồng thời, cũng là dịp để nhắc nhở những người làm báo phải luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao trách nhiệm xã hội của nhà báo; bởi, bên cạnh đội ngũ những người làm báo bản lĩnh, chính nghĩa, tâm huyết với nghề, vẫn còn một bộ phận nhà báo thiếu trách nhiệm, non nghiệp vụ, dẫn đến thông tin thiếu khách quan, võ đoán, sai bản chất sự việc... Cá biệt, có nhà báo phai nhạt về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, tạo cho mình thứ “quyền lực đen”, uốn cong ngòi bút vì lợi ích cá nhân, làm sứt mẻ niềm tin của công chúng vào những người cầm bút chân chính.
Tình hình thế giới và khu vực đang có những biến động sâu sắc, khó lường cả về chính trị, kinh tế, xã hội; thời đại công nghệ số mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thử thách, gian nan đối với những người làm báo, đòi hỏi mỗi nhà báo không chỉ tinh thông nghiệp vụ, còn phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; luôn có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, phản ánh trung thực dòng chảy của xã hội, đặt trách nhiệm chính trị và danh dự của cá nhân trên từng trang viết. Thực hiện nghiêm 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Tích cực lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.
Tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, quyết tâm xây dựng nền báo chí cách mạng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn và hiệu quả, đội ngũ những người làm báo hôm nay càng thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, về đạo đức, phong cách của người làm báo, không ngừng phấn đấu xứng đáng là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!