Vận động, khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động và tổ chức đưa hàng Việt Nam về với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực sản xuất, chất lượng hàng hóa của các nhà sản xuất, kinh doanh và ý thức, thói quen của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng sơ hở trong khâu quản lý, cố tình vi phạm pháp luật, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà sản xuất chân chính, giảm lòng tin của người tiêu dùng. Mặt khác, lợi dụng việc quản lý trong khâu lưu thông và ham giá rẻ của một bộ phận người tiêu dùng, một số đối tượng đưa hàng hóa kém chất lượng hoặc hết hạn sử dụng, hàng nhái về vùng nông thôn tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng đối với việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ở khu vực nông thôn chưa thường xuyên, nên các đối tượng vẫn vi phạm.

             

Với mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng nhận thức đúng về chất lượng, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sản xuất, cung ứng; xây dựng văn hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Phát triển hệ thống phân phối, xây dựng chuỗi mô hình liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng, nhằm phát triển thị trường trong nước đưa hàng Việt Nam tới tay người tiêu dùng, rất cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp trong hưởng ứng, thực hiện, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong việc tiêu dùng hàng trong nước.

             

Tăng cường các hình thức tuyên truyền để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiểu, nắm bắt sâu về các Hiệp định thương mại (FTA) khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia; tận dụng hiệu quả cam kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam với hàng hóa nhập khẩu. Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng và đăng ký thương hiệu hàng hóa, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.

             

Khuyến khích, động viên người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam.

             

Hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường và quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Ban hành cơ chế, chính sách, khuyến khích động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các hộ gia đình tăng cường sử dụng các nguyên, nhiên vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa do Việt Nam sản xuất.

             

Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Có chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh. Công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đến người tiêu dùng gắn với chương trình OCOP; giới thiệu các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ mới của các doanh nghiệp, làng nghề của địa phương.

             

Các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm. Có chính sách bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới