Hiện nay, MTTQ và Ủy ban bầu cử các cấp đang tập trung tổ chức cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND thực hiện quyền vận động bầu cử. Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, có hai hình thức vận động bầu cử. Một là, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại các cuộc tiếp xúc ở địa phương nơi mình ứng cử. Hai là, vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp xúc cử tri thông qua hình thức trực tuyến.
Ảnh: PV
Đối với hình thức vận động bầu cử qua tiếp xúc cử tri là hoạt động chính được các cấp MTTQ quan tâm lãnh đạo, tổ chức chu đáo, trang trọng. Thông qua tiếp xúc cử tri một cách trực tiếp, là dịp tốt để ứng cử viên thể hiện trình độ, kiến thức, khả năng, năng lực, kinh nghiệm, quan điểm của mình trước cử tri. Việc ứng cử viên trình bày dự kiến chương trình hành động, lời hứa khi trúng cử một cách trực tiếp dễ tạo được sự tin cậy đối với người theo dõi. Qua tiếp xúc, trao đổi, cử tri cũng chấm điểm tác phong, tư thế, tình cảm, hành động của ứng cử viên, từ đó có thêm cơ sở cho việc quyết định lựa chọn bỏ phiếu cho ai trong số các ứng cử viên được giới thiệu.
Ở những cuộc bầu cử gần đây, hoạt động vận động bầu cử thông qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng cũng được nhiều ứng cử viên sử dụng khá hiệu quả. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã tạo điều kiện thuận lợi để người ứng cử trình bày dự kiến chương trình hành động của mình, tạo diễn đàn để người ứng cử thể hiện quan điểm thông qua các cuộc phỏng vấn, trao đổi, mạn đàm. Tuy nhiên hình thức này có điểm hạn chế là tính tương tác giữa người ứng cử với cử tri thấp, người ứng cử khó đo lường được sự phản hồi từ công chúng.
Hiện nay, trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh COVID - 19 lây lan, việc tổ chức tiếp xúc cử tri phải thực hiện yêu cầu giãn cách, hạn chế số lượng người tham dự, ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả vận động bầu cử. Do vậy, công tác tuyên truyền về bầu cử cần phải được quan tâm đẩy mạnh và nâng cao hơn về chất lượng, mục đích cao nhất là cung cấp lượng thông tin chính xác và nhiều nhất có thể đến với cử tri để họ cân nhắc, lựa chọn đúng người có khả năng và xứng đáng làm đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực nhà nước.
Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử của ngành, địa phương cần tăng cường đưa tin, bài phản ánh hoạt động tiếp xúc cử tri, đăng phát chương trình hành động của ứng cử viên. Các cơ quan báo chí dành nhiều thời lượng phỏng vấn ứng cử viên, tổ chức tọa đàm bàn tròn, tạo điều kiện để người ứng cử thể hiện quan điểm, trả lời các vấn đề cử tri quan tâm. Công tác tuyên truyền phải làm sao thu hút được đông đảo công chúng, để người dân quan tâm đến Quốc hội và HĐND, từ đó tạo động lực để họ tìm hiểu về ứng cử viên và cân nhắc việc lựa chọn người đại diện cho mình. Sức mạnh từ dư luận thông qua công tác tuyên truyền cũng giúp cho ứng cử viên có động lực vươn lên, thấy rõ hơn trách nhiệm trước sự gửi gắm của cử tri mà ra sức phấn đấu, rèn luyện, làm việc thực hiện lời hứa sau khi trúng cử.
Trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh, để tạo thêm kênh thông tin giữa người ứng cử và cử tri, cần cân nhắc cho phép người ứng cử sử dụng mạng xã hội để thực hiện quyền vận động bầu cử. Các cấp MTTQ có thể lập các page trên zalo để cung cấp thông tin về ứng cử viên. Cần thiết cho phép ứng cử viên có thể công bố chương trình hành động trên tài khoản cá nhân mạng xã hội để tạo điều kiện cho cử tri tiếp cận thông tin một cách dễ dàng. Và, để đảm bảo chặt chẽ, an toàn thông tin, các ứng cử viên phải cam kết công bố bản dự kiến chương trình hành động chính thức đã được trình bày tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trước đó và có xác nhận của cơ quan MTTQ và Ủy ban bầu cử ở địa phương. Việc các ứng cử viên công khai tài khoản cá nhân cho cử tri theo dõi cũng là cách hiệu quả để cử tri nắm bắt thêm các thông tin cá nhân, quan điểm, thái độ, lối sống của ứng cử viên, đồng thời giám sát kết quả thực hiện lời hứa của đại biểu sau khi trúng cử. Thông qua sự tương tác trên nền tảng mạng xã hội, người ứng cử cũng có thể cảm nhận được ngay lượng ủng hộ của cử tri đối với mình đang ở mức nào, cần có điều chỉnh những gì để hoàn thiện hơn, thu hút được sự chú ý, tạo được mối thiện cảm của cử tri, đồng thời thấy rõ hơn trách nhiệm của mình nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu dân cử.
Với sức mạnh về khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, liên tục, rộng rãi, việc sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý, hiệu quả, cũng là cách để đạt được mục tiêu của hoạt động vận động bầu cử, vừa phù hợp với xu hướng tiếp nhận thông tin của đông đảo công chúng, vừa đạt được mục tiêu kép trong bối cảnh nguy cơ về dịch bệnh hiện nay.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!