Cùng vào bản Liềng, xã Mường Lèo để kiểm tra mật độ châu chấu gây hại, ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẳng định: Mức độ gây hại của châu chấu lưng vàng chỉ là cục bộ.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và huyện Sốp Cộp
kiểm tra mật độ châu chấu gây hại tại bản Liềng, xã Mường Lèo.
Trong những ngày gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin trái chiều về châu chấu tre lưng vàng gây hại cây trồng tại huyện Sốp Cộp. Để tìm hiểu và làm rõ những thông tin trên, chúng tôi lên đường đến Sốp Cộp.
Từ trung tâm huyện Sốp Cộp, sau hành trình hơn 60km, chúng tôi có mặt tại bản Liềng, xã Mường Lèo, nơi đang có nhiều châu chấu tập trung nhất. Đưa chúng tôi đến khu rừng tre, chỗ trú ngụ của châu chấu, ông Lò Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, thông tin: Châu chấu xuất hiện trên địa bàn xã từ tháng 6 đến nay, rải rác tại 8 bản và một cụm dân cư. Đặc biệt, bản Liềng là nơi trú ngụ, đẻ trứng của châu chấu từ các bản khác tập trung về. Để hạn chế thiệt hại do châu chấu gây ra, xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông và cán bộ nông lâm nghiệp đến các bản hướng dẫn bà con cách phòng trừ (chủ yếu bằng phương pháp thủ công như xua đuổi, vây bắt khi chúng vào nương lúa, ruộng màu). Chính vì vậy, châu chấu chưa gây hại nhiều cho lúa và hoa màu, chỉ tập trung ăn lá tre, lá nứa. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, quy luật phát sinh gây hại, hướng di chuyển của châu chấu tre, đặc biệt tại các vùng tập trung đẻ trứng, vùng gây hại.
Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đầu tháng 4/2016, châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện và gây hại cục bộ tại xã Mường Lạn (Sốp Cộp) với mật độ phổ biến 10-20 con/m2, cao 50 con/m2 , cá biệt 200-700 con/m2, chủ yếu là châu chấu tre lưng vàng non nở từ nguồn trứng đẻ cuối năm 2015. Đến trung tuần tháng 7, châu chấu tre trưởng thành di chuyển thành từng đàn dọc theo các bản khu vực biên giới Việt Nam - Lào, gây hại tại các rừng tre của các xã Mường Lạn, Sam Kha, Mường Lèo và đến cuối tháng 8, xuất hiện ở xã Mường Hung (Sông Mã). Tính đến cuối tháng 8, châu chấu tre lưng vàng gây hại trên tổng diện tích 2.034 ha (trong đó: rừng hỗn giao 1.592 ha; cây nông nghiệp 442 ha) tại 21 bản của 3 xã Mường Lạn (10 bản), Mường Lèo (9 bản), Sam Kha (2 bản). Từ giữa tháng 9, mật độ châu chấu giảm do cuối chu kỳ sinh trưởng, chúng co cụm trên các khu rừng của xã Mường Lèo (huyện Sốp Cộp), quy mô đàn nhỏ, mức độ gây hại không lớn. Tổng diện tích có xuất hiện châu chấu và bị gây hại 1.095 ha (rừng 1.090 ha, cây nông nghiệp 5ha).
Ngay sau khi có châu chấu xuất hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT và các huyện theo dõi chặt tình hình phát sinh, gây hại của châu chấu và hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng trừ. Tính chung cả 3 đợt, huyện Sốp Cộp đã huy động gần 400 người tham gia bắt và tiêu hủy hơn 150 kg châu chấu tre lưng vàng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun trừ 991 ha (cây nông nghiệp trên nương và ven rừng). Hiện, các cấp, các ngành chức năng đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình trạng sinh trưởng, phát triển và di chuyển của châu chấu để khống chế và không để bùng phát thành dịch.
Cùng vào bản Liềng, xã Mường Lèo để kiểm tra mật độ châu chấu gây hại, ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẳng định: Mức độ gây hại của châu chấu lưng vàng chỉ là cục bộ. Hiện tại, châu chấu đang bước vào cuối chu kỳ sinh trưởng, sau khi giao phối đẻ trứng sẽ tự chết nên không cần sử dụng chất hóa học. Tuy nhiên, một con châu chấu tre lưng vàng cái có thể đẻ hàng trăm trứng, gặp điều kiện thuận lợi, chúng phát triển rất nhanh, nếu không khống chế kịp thời sẽ có nguy cơ xảy ra thành dịch. Trước mắt, ngoài việc theo dõi, nắm chắc nơi châu chấu tập trung, co cụm, giao phối đẻ trứng, các đơn vị chuyên ngành sẽ phối hợp với các địa phương huy động mọi nguồn lực thực hiện các biện pháp thủ công để diệt ổ trứng châu chấu như thu gom, bắt, đốt, đào... Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện về vật tư, kinh phí, tổ chức phun trừ kịp thời khi châu chấu non bắt đầu nở từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2017.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng các cơ quan chức năng phối hợp với huyện Sốp Cộp đã theo dõi, phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp phù hợp phòng trừ châu chấu. Hiện tại, huyện Sốp Cộp đang tập trung chỉ đạo các xã vận động người dân thường xuyên thăm đồng ruộng, phát hiện sớm dịch châu chấu và các loại sâu bệnh khác, có biện pháp phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra đối cây trồng. Như vậy, thông tin có “bão châu chấu” trên địa bàn huyện Sốp Cộp là chưa hoàn toàn chính xác.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!