Thực hiện đồng bộ các biện pháp giải ngân vốn đầu tư công

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cơ cấu lại chi đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là nguồn vốn từ khu vực tư nhân... là cơ sở bảo đảm nguồn lực thực hiện các dự án, góp phần bứt phá, phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Trước yêu yêu của nhiệm vụ trọng tâm, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2022, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, các chủ đầu tư tập trung cao, có những biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước; nhất là các dự án trọng điểm kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đầy phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, bảo đảm tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành.

Rà soát, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra.

Kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công. Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; cơ quan chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình. Không để tình trạng đầu tư công chậm trễ, kéo dài, kém hiệu quả trong khi nguồn lực hạn chế.

Các ngành chức năng, huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ, hoàn thành việc lập, thẩm định và trình phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới cơ sở hạ tầng; đôn đốc, giám sát tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 bảo đảm hiệu quả, thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của nhân dân.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới