Thời điểm này, bắt đầu bước vào mùa mưa bão, các cấp, các ngành, địa phương và cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống bão lũ, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong phòng, tránh và khắc phục hậu quả bão lũ, bảo vệ tài sản, tính mạng của Nhà nước và nhân dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh, năm 2019 xuất hiện 8 cơn bão và 3 cơn áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó 3 cơn bão ảnh hưởng đến tỉnh Sơn La, gây mưa to, giông lốc trên diện rộng; toàn tỉnh có 2.435 ngôi nhà, hơn 2.000 ha lúa, rau màu, hoa màu, cây ăn quả cùng mạng lưới giao thông, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại, tổng giá trị thiệt hại hơn 462 tỷ đồng. Bước sang mùa mưa năm nay, chỉ tính riêng trong tháng 4, có 2 đợt mưa, mưa đá kèm giông lốc xảy ra trên địa bàn tỉnh trong các ngày (10-12/4 và 23-25/4) đã làm thiệt hại đến tài sản và sản xuất nông nghiệp ước khoảng hơn 26 tỷ đồng... Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, trong tháng 5, tỉnh Sơn La tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng giông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét và sạt lở đất. Từ tháng 6 đến tháng 8, sẽ tập trung nhiều đợt mưa lớn, trên các sông suối của tỉnh sẽ xuất hiện lũ, đỉnh lũ các sông vừa ở mức báo động 1 đến báo động 2; các sông, suối nhỏ từ báo động 2 đến báo động 3; lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và thiên tai lũ lụt, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 3/1/2020 của UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020; Quyết định số 136/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2020 trên địa bàn tỉnh và các kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc khắc phục hậu quả thiên tai năm 2019, ổn định đời sống sinh hoạt những điểm đã tái định cư và những điểm cần di chuyển dân vùng thiên tai, khắc phục diện tích sản xuất, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn mùa mưa lũ năm 2020. Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT &TKCN các cấp, các ngành để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống, ứng phó với thiên tai và Luật Phòng, chống thiên tai đến cấp xã. Tuyên truyền, phổ biến Nghị định 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hệ thống công trình thủy lợi; có kế hoạch sửa chữa kịp thời những công trình hư hỏng, bảo đảm tuyệt đối an toàn các hồ chứa trong mùa mưa lũ, phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển khu dân cư, phát triển sản xuất phải gắn liền với phòng, chống thiên tai, phù hợp với quy hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Sơn La đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đối với những vùng xảy ra lũ lụt, tập trung giúp đỡ, thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại, tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, chảy xiết, đường ngầm, khe suối để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân cư trú tại các ven sông, suối, khe lạch triển khai các biện pháp phòng, tránh lũ quét, sạt lở, lốc, sét an toàn tính mạnh và tài sản. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên địa bàn; kiểm tra, rà soát những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, các khu vực ven sông, suối, taluy, sườn đồi, chân vách núi đá, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp để chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Các ngành thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp căn cứ nhiệm vụ được phân công chủ động rà soát các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả, nhất là lực lượng, phương tiện, hậu cần, trang thiết bị; nắm chắc lực lượng nòng cốt tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại địa phương và các lực lượng dự bị khi cần thiết ở cấp bản, xã, huyện. Tổ chức luyện tập, diễn tập kỹ năng phòng, chống bão lũ cho cơ sở để nâng cao năng lực, khả năng, kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!