Những năm qua, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh được tăng cường; nhờ đó, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã giảm; nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư công nghệ gắn với bảo vệ môi trường, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn một số tồn tại, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông; công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn hạn chế; tình trạng vận chuyển khoáng sản trái phép vẫn diễn ra.
Trước vấn đề trên, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép; vận chuyển và kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; đặc biệt khoáng sản là cát, sỏi lòng sông trên địa bàn. Các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường và liên quan để xác định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Nghiêm cấm lợi dụng nạo vét, khơi thông luồng để khai thác khoáng sản trái phép.
Rà soát các khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông; các dự án nạo vét, khơi thông luồng đã được cấp phép đang triển khai thực hiện; xác định các dự án làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu, thoát lũ, sự ổn định của bờ sông, gây sạt lở bờ, bãi sông, hoặc làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình ven sông để thực hiện theo quy định.
Đánh giá tình hình cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực khoáng sản đã được khoanh định, công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; rà soát, đánh giá tình hình nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn, trong đó bao gồm các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm theo quy định.
Đặc biệt, tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch về điều tra cơ bản địa chất; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản theo quy định của Luật Quy hoạch; chiến lược địa chất, khoáng sản, phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; quản lý tập trung, thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản phục vụ đa mục tiêu. Áp dụng mô hình quản trị tài nguyên khoáng sản minh bạch, hiệu quả của thế giới; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của địa phương, người dân nơi khai thác khoáng sản; lượng hóa và hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản vào nền kinh tế.
Ưu tiên cấp phép dự án khai thác khoáng sản cho tổ chức doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với địa chỉ sử dụng khoáng sản; cải tạo, mở rộng nâng cấp các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, thu hồi tối đa khoáng sản chính, các khoáng sản đi kèm, bảo vệ môi trường sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản và các hoạt động liên quan đến địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng. Thu hồi giấy phép khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là lợi dụng để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!