Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 304 km đường thủy của 2 tuyến sông chính là sông Đà (234 km) và sông Mã (70 km), chảy qua địa phận 44 xã của 7 huyện. Trong đó, trên dòng sông Mã chưa hình thành tuyến giao thông đường thủy do địa hình khó khăn, dòng chảy hẹp, nhiều thác gềnh; riêng dòng sông Đà có 2 tuyến đường thủy nội địa quốc gia do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trực tiếp quản lý là lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La, với trên 2.560 phương tiện thủy nội địa các loại đang hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Việc đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa đang là vấn đề được các cấp, các ngành chức năng quan tâm, nhất là thời điểm này đang vào mùa mưa, bão.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, trên 2.560 phương tiện tàu, thuyền các loại đang hoạt động trên sông Đà đa số đóng theo kinh nghiệm dân gian hoặc tự thiết kế (không có hồ sơ thiết kế hoặc không theo hồ sơ thiết kế đã được duyệt). Các phương tiện chủ yếu được người dân sử dụng đi lại làm nương, rẫy và đánh bắt thủy sản, một số ít dùng kinh doanh chở khách trên địa bàn tỉnh và khách du lịch lòng hồ. Tuy nhiên, trong số này, mới có 1.335 phương tiện đã đăng ký và chỉ 931 phương tiện được đăng kiểm. Về lực lượng điều khiển phương tiện thủy nội địa, toàn tỉnh có 184 trường hợp được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và 1.748 trường hợp được cấp chứng chỉ chuyên môn. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thuyền chở quá tải, quá số người quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa... Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là trong mùa mưa, bão, UBND các huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở (truyền thanh xóm, tổ, bản, xã) những quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy; quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông và các phương tiện thô sơ, phương tiện thủy loại nhỏ; quy định về bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy... Thông tin, hướng dẫn và tổ chức cho các chủ phương tiện thô sơ, phương tiện thủy loại nhỏ ký cam kết sử dụng phương tiện thủy đúng quy định và thực hiện đăng ký phương tiện thủy nội địa theo phân cấp quản lý. Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; chú trọng phát triển các mô hình văn hóa giao thông như: bến thủy văn hóa, văn minh, an toàn; khu dân cư, thôn bản an toàn... kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích và phê bình, xử lý các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa.
Các ngành chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa như: Phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc sức chở dưới 5 người; đưa vào sử dụng và tham gia giao thông đối với phương tiện thủy nhỏ, thô sơ, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; không đảm bảo các yêu cầu về trang thiết bị cứu sinh; người lái phương tiện thủy không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; hành vi chở quá số người được phép chở trên phương tiện... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa để người dân biết và chấp hành; kiên quyết đình chỉ các bến đò ngang không phép, không bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật. Phối hợp với UBND các huyện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thành lập hợp tác xã vận tải đường thủy và thực hiện đăng ký kinh doanh vận tải đường thủy nội địa theo quy định.
Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng sẽ góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa, góp phần khai thác hiệu quả vận tải đường thủy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân vùng lòng hồ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!