Sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020, công tác CCHC của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020, công tác CCHC của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng

 

Trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Ảnh: PV

 

Năm 2019, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, vươn lên nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao; Chỉ số CCHC (PAR INDEX) xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 5/14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Công tác CCHC đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền, cơ quan hành chính các cấp; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước được nâng lên.

 

Cũng như các địa phương khác, Sơn La tiến hành CCHC với hệ thống văn bản, thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà cùng phương thức quản lý, tổ chức bộ máy, phong cách, lề lối làm việc xưa cũ; nhiều cơ quan còn chậm áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, điều hành; một số ngành không mạnh dạn phân cấp cho cấp dưới, trình độ của cán bộ, công chức hạn chế...

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết các TTHC cho người dân.

Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình CCHC tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;  thành lập Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, ban hành kế hoạch CCHC từng năm, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện ở mỗi ngành, đơn vị, địa phương.

Điểm nhấn giai đoạn này là việc thành lập và đi vào hoạt động của Trung tâm Hành chính công (HCC) các cấp, thể hiện sự quyết tâm minh bạch hóa nền hành chính, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ. Chính thức hoạt động từ tháng 6/2017, Trung tâm hành chính công tỉnh đã mang lại những hiệu quả rõ rệt trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ; tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp chỉ cần đến một địa chỉ để giải quyết TTHC. Đến nay, đã có 1.125 TTHC của 22 sở, ban, ngành được đưa vào thực hiện tại Trung tâm; các TTHC trước khi đưa vào Trung tâm đều được rà soát, đơn giản về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục và cắt giảm về thời gian giải quyết so với thời gian quy định. Qua 10 năm, đã cắt giảm số ngày giải quyết TTHC của 150/207 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh từ 4.120 ngày xuống còn 2.813 ngày. Đặc biệt, TTHC trong lĩnh vực xây dựng đã thực hiện rút ngắn 30% thời gian giải quyết, riêng thủ tục cấp giấy phép xây dựng đã giảm 50%, cấp giấy phép quy hoạch giảm 55,5%, vượt lộ trình của tỉnh tới năm 2020 giảm 30% thời gian giải quyết; đối với 99 TTHC thuộc lĩnh vực y tế đã thực hiện cắt giảm 581 ngày; lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm còn 20 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản gắn liền với đất còn 8 ngày...

Anh Phạm Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng T668, thành phố Sơn La, thông tin: Trước đây, để xin cấp phép xây dựng, chúng tôi phải đi lại nhiều lần, không biết khi nào mới xong. Nhưng vài năm gần đây, nhiều chính sách thông thoáng hơn, TTHC đơn giản và nhanh gọn, chúng tôi có thể giải quyết công việc thuận lợi, nhanh chóng triển khai xây dựng các công trình, nhờ đó có thêm lợi thế phát triển.

Cùng với việc cải cách TTHC, giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 12 UBND huyện, thành phố; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cho biết: Sở Nội vụ đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng đơn vị; đã giảm 443 đầu mối cơ quan, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, huyện; 340 đầu mối phòng và tương đương; 815 bản, 277 tổ chức cơ sở đảng; 3.264 biên chế; 7.123 người hưởng phụ cấp và hỗ trợ ở bản, tiểu khu, tổ dân phố; 1.340 lãnh đạo, quản lý (từ cấp phòng và tương đương trở lên cấp tỉnh, cấp huyện); 4.100 lãnh đạo bản và các tổ chức thuộc bản, tiểu khu, tổ dân phố. Qua đó, góp phần giảm chi ngân sách Nhà nước gần 602 tỷ đồng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Hướng đến xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, UBND tỉnh đã ban hành đề án, triển khai thực hiện hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Toàn tỉnh đã xây dựng Cổng thông tin điện tử 3 cấp, tích hợp Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. 100% cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở, đơn vị sự nghiệp trực thuộc và các sở, ban, ngành đã triển khai kết nối đồng bộ và thông suốt Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông quốc gia. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị dưới dạng điện tử đạt 97%. 100% các ngành, UBND các huyện, thành phố đã có Cổng thông tin, Trang thông tin điện tử đáp ứng yêu cầu đăng tải đầy đủ thông tin giới thiệu về tỉnh, cơ quan, đơn vị, địa phương; các tin tức thông tin chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, các hoạt động trong tỉnh được cập nhật thường xuyên; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hành chính được đăng tải kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khai thác thông tin. Đồng thời, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng cho cơ quan hành chính Nhà nước; đẩy mạnh triển khai 530 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện tiếp nhận và trả kết quả 669 TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.

Phấn đấu năm 2020 chỉ số CCHC của Sơn La đạt kết quả khá trong nhóm các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Giai đoạn tới, tỉnh Sơn La tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác CCHC; thực hiện hiệu quả công tác cải cách TTHC, đảm bảo giảm thành phần hồ sơ, giảm thiểu thời gian xử lý, chi phí thực hiện TTHC; thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” theo hướng văn minh, hiện đại, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo thành công trong công tác CCHC, tạo thuận lợi và niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trên địa bàn, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của tỉnh.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới