Năm 2022, dự báo sản lượng nông sản của tỉnh tiếp tục tăng, nhất là các loại quả: mận hậu, xoài, nhãn, trong khi đó, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mặt khác, tiến độ xây dựng các nhà máy chế biến nông sản của tỉnh còn chậm.
Trước yêu cầu sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh với giá hợp lý cần có sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất, kiên quyết không để xảy ra tình trạng phải “giải cứu nông sản”, nhất là các loại quả có sản lượng lớn, mùa vụ thu hoạch ngắn, như mận hậu, xoài, nhãn...
Hiện nay, khắp các vùng miền trong tỉnh, diện tích cây ăn quả đang thời điểm đơm hoa kết trái, dự báo có thêm mùa quả bội thu. Ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng, huyện thành phố, doanh nghiệp, hộ gia đình chủ động rà soát kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, bổ sung các giải pháp hiệu quả, nhằm tiêu thụ cơ bản sản lượng nông sản của tỉnh, đảm bảo thu nhập cho người sản xuất,
Các ngành chức năng chủ động tham mưu với tỉnh tổ chức các cuộc tham vấn, kết nối tiêu thụ nông sản với các tham tán thương mại, các tỉnh có cửa khẩu (Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh), các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, vận tải. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối thị trường, xây dựng các trang thương mại điện tử và sàn giao dịch nông sản trong nước và nước ngoài. UBND các huyện, thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung; cấp, quản lý, duy trì mã số vùng trồng; phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Đẩy mạnh truyền thông, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại nông sản năm 2022. Mở mới, duy trì hoạt động của các điểm giới thiệu nông sản tại Hà Nội và các thành phố lớn trong nước. Tháo gỡ vướng mắc về đất đai, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong việc thực hiện các thủ tục đất đai, tài sản tín chấp, thế chấp để chủ động nguồn vốn tham gia vào hoạt động sản xuất, chế biến, vận chuyển, kho bãi, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của tỉnh.
Chuẩn bị tốt chương trình Festival trái cây 63 tỉnh, thành phố; chuẩn bị chu đáo cho đối thoại nông dân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện các hoạt động giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, nông sản của tỉnh. Phát huy hiệu quả quảng bá của các cơ quan truyền thông, của đoàn viên, hội viên trên các phương tiện, loại hình, góp phần đưa sản phẩm nông sản của Sơn La đến với người tiêu dùng trong cả nước và quốc tế.
Thực hiện tốt phương châm tiêu thụ cơ bản sản lượng nông sản của tỉnh với giá hợp lý, đảm bảo thu nhập cho người sản xuất, kiên quyết không để xảy ra tình trạng phải “giải cứu nông sản”, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, HTX, binh chủng tuyên truyền và mỗi người dân để kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2022 đạt hiệu quả thiết thực, vì một Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!