Phòng, chống sinh vật gây hại trên cây trồng

Do điều kiện thời tiết nóng ẩm thất thường, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tình hình sâu bệnh đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh, làm thiệt hại đến năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, ảnh hưởng đến thu nhập của người sản xuất.

Để chủ động công tác phòng, chống sinh vật hại trên cây trồng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh lùn sọc đen, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng và các loại sinh vật hại khác gây hại lúa vụ mùa; theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng khác để chủ động các biện pháp phòng, chống.

           

Nông dân phường Chiềng An (Thành phố) chăm sóc hoa.            

Ảnh: Nguyễn Thảo

           

Khuyến cáo nông dân chăm sóc tốt, bón phân cân đối, tập trung và thực hiện các biện pháp quản lý sinh vật hại tổng hợp (theo IPM) trên các loại cây trồng để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuân thủ các quy trình sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.

           

Cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra, phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, cảnh báo từ các huyện, thành phố để phối hợp, chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra (dịch chồng dịch).

           

Các cơ quan chức năng chỉ đạo việc điều tiết cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón) trên địa bàn tỉnh phục vụ đầy đủ nhu cầu của nông dân. Chỉ đạo công tác thanh tra chuyên ngành để kiểm tra việc buôn bán vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng chống dịch COVID-19 để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng.

           

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tập trung nguồn lực bảo vệ các vùng sản xuất nông sản chủ lực an toàn dịch bệnh, không để tình trạng thiếu lao động chăm sóc, phòng chống sinh vật gây hại cây trồng và thu hoạch nông sản. Tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hóa, vật tư nông nghiệp thiết yếu đảm bảo phục vụ sản xuất, không để xảy ra tình trạng ùn ứ, đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản; đảm bảo thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế và của tỉnh.

           

Các cơ quan truyền thông, báo chí thông tin tuyên truyền, cảnh báo tình hình sâu bệnh và các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại đến tận người dân, góp phần bảo vệ sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất do sinh vật gây hại trên cây trồng gây ra.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới