Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nỗ lực của đồng bào các dân tộc, đến nay, tỉnh ta có 54 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố Sơn La là đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh đang dồn lực cho huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương còn gặp khó khăn, do điều kiện kinh tế, xã hội, các tiêu chí và chỉ tiêu còn thấp; việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lựa chọn mô hình sản xuất chưa thật sự rõ nét; đời sống của đồng bào các dân tộc còn khó khăn, nên việc huy động sức dân tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng nông thôn mới.
Với mục tiêu đưa các chủ trương, chính sách, định hướng, nội dung về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đi vào cuộc sống, tạo được sự thống nhất trong triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở; công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh hơn nữa, đi trước một bước góp phần chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực cho cán bộ, đảng viên, người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới với nguyên tắc “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”; phát huy sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã, hội, tạo sự đồng thuận và đồng lòng, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Tập trung tuyên truyền về những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và các chương trình chuyên đề, chú trọng đến nâng cao chất lượng sống; nâng cao năng lực cho các cộng đồng dân cư, cán bộ cơ sở và người dân ở nông thôn, nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn, tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, tự lực, đoàn kết và hợp tác trong xây dựng nông thôn mới với nguyên tắc "Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”. Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, hướng đến xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp”.
Chuyển đổi tư duy cho cán bộ cơ sở, cộng đồng và người dân nông thôn về phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, phát triển bền vững, có trách nhiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Quy hoạch nông thôn, phát triển hạ tầng nông thôn gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Triển khai Chương trình OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP xanh; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo; phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Triển khai chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số tại khu vực nông thôn; kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm, gắn với thương mại điện tử. Triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới; tăng cường các hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP. Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM. Tập trung nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn.
Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; thúc đẩy bình đẳng giới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Xây dựng các hình ảnh về “Người nông dân chuyên nghiệp”, gắn với các sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân”; “Người lãnh đạo cộng đồng” gắn với tổ chức đời sống cộng đồng, hướng đến “Nâng cao năng lực cộng đồng”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!