Không lơ là, chủ quan trong trạng thái bình thường mới

Đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường ở nhiều quốc gia. Đối với nước ta, tuy tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, nhưng trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc, kể cả số trường hợp tăng nặng và nguy kịch đang có xu hướng gia tăng. Nhu cầu đi du lịch của người dân như chiếc lò xo bị nén sau hơn một năm, nay bung mạnh khi bước vào trạng thái “bình thường mới”.

Đối với tỉnh ta, sau kỳ nghỉ tết, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp ở các huyện, thành phố, với số ca nhiễm trong ngày đã lên 4 con số. Có những ngày ghi nhận tới gần 1.500 ca F0. Thật đáng lo ngại, khi dịch lây nhiễm quá nhanh, trong khi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm tại các cơ sở y tế của tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Thích ứng, linh hoạt trong trạng thái “bình thường mới”, một bộ phận người dân chưa tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch. Có một thực tế, do đã được tiêm vắc xin, biểu hiện của các triệu chứng F0 ở thể nhẹ, nên nhiều người lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, vẫn tụ tập đông người, vẫn tổ chức ăn uống theo tốp, nhóm; di chuyển quá nhiều, tạo điều kiện cho vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập, phát tán nhanh.

Câu chuyện đã qua, không nhắc lại, chỉ mong mỗi người luôn cảnh giác trước Covid-19. Với những biến thể phức tạp, khó lường, dịch bệnh không loại trừ bất cứ ai. Cần phải tiếp tục thực hiện tốt 5k, tiêm phòng đủ liều, có ý thức phòng bệnh cho mình, gia đình và cộng đồng, bởi không có ý thức, trách nhiệm cao trong phòng bệnh thì năng lực y tế hiện tại đã quá tải, kinh tế sẽ bị đứt gẫy, trì trệ; an sinh xã hội sẽ không bảo đảm.

Dự báo trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại cao, nhất là mùa lễ hội năm 2022, có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại, sẽ làm gia tăng số ca nhiễm bệnh, tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền…).

Các cấp, các ngành, địa phương và mỗi người dân cần phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng chống dịch Covid-19. “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị,...); việc sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân phải đảm bảo khoa học, thống nhất trong phòng, chống dịch gắn với khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.

Tập trung cao cho điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong. Thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến. Tăng cường tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà; không để xảy ra tình trạng người mắc Covid-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị.

Tổ chức tiêm phòng Covid-19 “thần tốc hơn nữa”; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trường học; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp.

Mỗi người dân tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K, tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ. Không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch; khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác...) thì báo ngay cơ quan y tế để được hỗ trợ, tư vấn, theo dõi và xử trí kịp thời.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới