Không chủ quan trước đại dịch COVID-19

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tính đến 6 giờ ngày 4/11, Việt Nam ghi nhận 1.203 ca mắc COVID-19, 1.069 ca chữa khỏi, 35 ca tử vong (các ca tử vong đều là những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng). Như vậy, đến hôm nay Việt Nam đã trải qua 63 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều nguy cơ lây nhiễm nếu chúng ta chủ quan, lơ là bởi trên thế giới số ca mắc COVID-19 tăng lên từng ngày, từng giờ, ca nhiễm mới COVID-19 ở châu Âu tuần này cao hơn tuần trước tới 41%. Do đó, nhiều nước như: Anh, Áo và Bồ Đào Nha phải tái áp đặt phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh trở lại.

 

Còn nhớ, cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam chính thức bắt đầu từ ngày 23/1/2020 (29 Tết), khi  xác nhận 2 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên là hai cha con người Vũ Hán, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Đặc biệt, ngày 13/2/2020 ổ dịch ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với 11 ca mắc COVID-19, gần 11.000 người dân trong xã phải cách ly. Tiếp đó, vào khoảng đầu tháng 7, Đà nẵng xuất hiện ổ dịch COVID-19, rồi Quảng Nam, Hải Dương  và chỉ 3 tuần kể từ khi dịch bùng phát trở lại COVID-19 đã lan ra 15 tỉnh, thành với gần 500 ca mắc mới, miền Trung đã trở thành tâm dịch... Cả nước lại bước vào cuộc chiến mới và còn cam go hơn trận đầu ở Sơn Lôi khi tốc độ lây lan của dịch bệnh nhanh hơn và đặc biệt là đợt dịch này tấn công vào các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng như suy thận, suy gan, suy đa phủ tạng... Một lần nữa từ đội ngũ y bác sỹ cho đến các lực lượng quân đội, công an, doanh nghiệp và người dân không ai đứng ngoài cuộc trong trận chiến này. Trong tất cả các cuộc họp liên quan tới phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh chống dịch phải như chống giặc; phải kiểm soát chặt chẽ từ đầu và phải khoanh vùng cách ly tập trung... Bằng tất cả những nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các địa phương và sự tự giác của người dân, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả tốt, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh. Nhưng thiệt hại về kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 không thể đo đếm hết, từ việc chi phí cho công tác phòng, chống dịch cho đến nhiều lĩnh vực kinh tế- xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô... Trước thực tế đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19; các hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần khôi phục; tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

 

Song một thực tế hiện nay, trên thế giới đại dịch COVID-19 vẫn có chiều hướng tăng mạnh. Tính đến ngày 4/11, thế giới ghi nhận gần 48 triệu ca mắc, trong đó trên 1,2 triệu ca tử vong. Từ con số này cho thấy, công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn luôn phải đề cao, không được chủ quan trong mọi trường hợp. Các ngành, địa phương và mọi người dân phải nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại nhất là tại trường học, bệnh viện, các đô thị lớn... tiếp tục quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam và thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Các địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt thông điệp 5K “Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế”, trước hết là đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Quản lý tốt các cơ sở cách ly, người nhập cảnh cách ly. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép. Các địa phương từ tỉnh, huyện đến xã phải chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc bệnh COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có phương án thần tốc thực hiện việc khoanh vùng, truy vết khi xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn. Từng cơ quan, đơn vị như: bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, các nơi thường xuyên có hoạt động tập trung đông người (siêu thị, bến xe, chợ...) phải có phương án phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu, tự trang bị các phương tiện, vật tư phòng, chống dịch cần thiết. Các bệnh viện phải có phương án chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan, mọi trường hợp có biểu hiện ho, sốt phải được kiểm tra kịp thời.

 

Cùng với các biện pháp trên, công tác truyền thông tiếp tục phải đẩy mạnh nhằm nâng cao ý thức cảnh giác tự bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 trong nhân dân. Các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng phải vào cuộc vận động hội viên, đoàn viên không chủ quan trước đại dịch và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ cơ sở.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới